Xây dựng nền tư pháp dân chủ, bảo vệ công lý

Ngày 9-12, tại TPHCM, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chủ trì hội nghị là các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mang tính chất lịch sử. Việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra bước ngoặt cho nền tư pháp. Mục tiêu chung của chiến lược là xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thành tựu của vịêc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đã có tác động tích cực trong đời sống xã hội, trong đời sống chính trị pháp lý của đất nước.

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hoạt động tư pháp đã được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật về tư pháp đã được hoàn thiện hơn; hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp vẫn còn một số hạn chế. Công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp thiếu đồng bộ, không đảm bảo tính hệ thống, chưa theo đúng lộ trình đề ra; hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tố tụng tư pháp và tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp hoàn thiện chậm, thiếu đồng bộ; chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa hiệu quả chưa cao, cơ hội để thực hiện phiên tòa tranh tụng không nhiều, chưa đúng định hướng; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Bên cạnh đó, công tác giám sát của các cơ quan dân cử chưa được thường xuyên, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp và giám sát của các tổ chức đoàn thể xã hội còn hình thức, chưa có hiệu quả thiết thực…

Trong thời gian tới, việc thực hiện cải cách tư pháp tập trung vào 8 nhiệm vụ: hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp (xây dựng hệ thống TAND 4 cấp và Viện Kiểm sát nhân dân 4 cấp; hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng và hiệu quả tranh tụng, xem đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp); hoàn thiện các chế định cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp; tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe và thảo luận về nội dung của các chuyên đề: tổ chức lại hệ thống cơ quan tòa án từ Trung ương đến địa phương và đổi mới nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; trách nhiệm của kiểm sát viên, thẩm phán và luật sư trong việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; quản lý công tác thi hành án…

 Hội nghị sẽ diễn ra trọn một ngày.