Phát hiện siêu kháng thể có khả năng vô hiệu hóa 23 biến chủng Covid-19

(SHTT) - Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ mới đây đã tuyên bố phát hiện một siêu kháng thể có khả năng ngăn chặn sự tấn công của 23 biến chủng Covid-19 đối với cơ thể.

Theo công bố trên tạp chí Science, các siêu kháng thể tự nhiên có khả năng vô hiệu hóa hàng loạt biến chủng Covid-19, ngay cả những biến chủng Covid-19 đáng quan ngại như Alpha, Beta, Delta, ở nồng độ siêu nhỏ. 

Các nhà khoa học xác định được siêu kháng thể này từ mẫu huyết tương của những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh. Nhóm chuyên gia phân lập, xác định đặc tính kháng thể chống lại miền liên kết thụ thể từ những bệnh nhân đã khỏi Covid-19. Các kháng thể được phân lập từ 4 bệnh nhân hiến tặng huyết tương. Họ bị nhiễm biến chủng nCoV Washington (WA-1) - chủng lưu hành tại Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu, kháng thể trung hòa rất mạnh, nhắm thẳng vào miền thụ thể liên kết tăng đột biến. Ngay cả ở cấp độ nano, chúng cũng gây sức ép và bất hoạt Covid-19, ngăn virus sản sinh đột biến. Vì vậy, các tác giả ví chúng là những "siêu kháng thể" tự nhiên.

Nghiến cứu cũng chỉ ra được tất cả kháng thể khi thử nghiệm đều cho thấy khả năng bất hoạt mạnh nhất với đột biến D614G trong biến chủng WA-1. Phân tích sâu hơn, nhóm tác giả phát hiện các siêu kháng thể duy trì sức mạnh với 10 biến chủng khác. Đặc biệt, 3 trong 4 thử nghiệm cho thấy chúng bất hoạt 13 biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm quan tâm/đáng quan ngại như Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351), Gamma (P.1/P.2), Delta (B.1.617/B.1617.1/B/1.617.2), B.1.427, B.1.429, B.1.526...

 Phát hiện kháng thể chống lại 23 biến chủng Cvid-19. Ảnh: NIADS 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận ra, trong môi trường ống nghiệm, khi các siêu kháng thể kết hợp với nhau có thể giảm nguy cơ sinh đột biến của Covid-19, ngăn chúng tiến hóa và kháng thuốc.

Phần lớn kháng thể sử dụng để điều trị người mắc Covid-19 hiện nay đều được thiết kế dựa trên trình tự protein đột biến của chủng nCoV lần đầu phát hiện ở Vũ Hán. Chủng nCoV này tạm coi là chủng gốc. Tuy nhiên, các kháng thể này ít hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa các biến chủng mới đáng quan ngại (nhóm VOC, do Tổ chức Y tế Thế giới xếp loại) như B.1.1.7, B.1.351, P.1 và B.1.617.2.

Do đó, nghiên cứu mới rất có giá trị trong công cuộc ngăn chặn đại dịch. Bởi virus nCoV biến chủng xảy ra thường xuyên, nhất là với tốc độ lây lan hiện nay, tỷ lệ hình thành biến chủng mới càng cao. Việc ngăn virus biến chủng với những đột biến nguy hiểm sẽ giúp chúng ta đi trước một bước. Tuy nhiên, nghiên cứu mới dừng ở môi trường phòng thí nghiệm. Để sử dụng nó trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 cần có những nghiên cứu và thử nghiệm sâu hơn.

Thái An