Cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả

(SHTT) - Trên thị trường hiện nay, sâm Ngọc Linh đang trở thành món hàng được các đại gia săn đón. Tuy nhiên nhiều đại gia đã phải "nếm trái đắng" khi mua phải loại sâm giả với số tiền hàng trăm triệu. Vì vậy mọi người cần nắm vững kiến thức để phân biệt sâm Ngọc Linh giả và thật.

Được biết sâm Ngọc Linh được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum ở độ cao từ 1200 mét trở lên. Đây là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 cm đến 100 cm, thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc, có màu lục hoặc hơi tím, đường kính thân độ 4-8mm. Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm Trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm) củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu.

Sâm Ngọc Linh cũng được biết đến là loại sâm tốt nhất thế giới. Vậy tác dụng của nó là gì?

Tác dụng của sâm Ngọc Linh

Theo kết quả nghiên cứu có được từ Bộ Y tế Việt Nam thì số lượng Saponin trong sâm Ngọc Linh cao hơn rất nhiều so với các loại sâm khác trên thế giới. Cụ thể, các nhà khoa học xác định được có 52 loại Saponin trong thân và rễ, củ của Sâm Ngọc Linh. Trong đó, 26 Saponin có cấu trúc hóa học thường thấy trong sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 Saponin có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác. Như vậy Sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất.

 

Ngoài ra, các bộ phận trên mặt đất của sâm như lá, thân (cọng) Sâm Ngọc Linh đã phân lập được 19 Saponin Dammaran, trong đó, 8 Saponin có cấu trúc mới. Các công trình nghiên cứu đã xác định được thành phần dược tính trong Sâm Ngọc Linh có 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.

Với những thành phần trên, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, gia tăng sức đề kháng, tăng thị lực, giúp ăn ngon, ngủ tốt, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp người bị huyết áp thấp.

Cách sử dụng sâm Ngọc Linh

Để có thể hấp thụ được các dưỡng chất từ sâm Ngọc Linh, mọi người có thể ngậm tan sâm trong miệng, ngâm sâm cùng mật ong, dùng sâm pha trà uống, ngâm sâm với rượu hay nấu cháo với sâm. Tất cả những cách trên đều giúp hấp thụ sâm vào cơ thể một cách hiệu quả.

 

Chính vì đây được xem là loại sâm tốt nhất trên thế giới nên nó được rất nhiều các đại gia "săn đón" với mức giá không hề rẻ. Thậm chí nhiều đại gia còn sẵn sàng bỏ ra số tiền vài trăm triệu để có thể sở hữu được loại sâm quý giá này.

Sâm Ngọc Linh giả tràn lan thị trường

Tuy nhiên hiện tại trên thị trường, nhiều sâm Ngọc Linh giả đang được bán tràn lan khiến người dân hoang mang. Cụ thể, mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã xử phạt Cửa hàng kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh Tinh hoa núi rừng Việt (địa chỉ số 941, đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) vì cửa hàng này kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy phép bán lẻ rượu, không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Toàn bộ những sản phẩm của cửa hàng này đã bị cơ quan chức năng tịch thu và tiêu hủy. Cửa hàng cũng đã phải tạm dừng kinh doanh.

 

Trước đó, theo thông tin được dăng tải trên báo Tài Nguyên và Môi trường thì hiện tại có 3 loại sâm Ngọc Linh giả.

Loại sâm giả thứ nhất là loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Đây có thể là một loài mới chưa từng công bố ở Việt Nam và giống với sâm Ngọc Linh tới 97%. 

Loại sâm giả thứ 2 là Tam thất hoang có giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại sâm giả trên.

Loại thứ 3 là sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy, đây là loại cây thường mọc phổ biến ở vùng núi, nhiều nhất ở Tây Nguyên hoặc những vùng có khí hậu nóng ẩm.

Trước thực trạng trên, người dân cần nắm vững cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả.

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả

Qua quan sát bên ngoài, mọi người cũng có thể dễ dàng nhận biết được sâm Ngọc Linh thật. Sâm thật sẽ có nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Vỏ của sâm Ngọc Linh thật rất mỏng và nhẵn trong khi vỏ của sâm Ngọc Linh giả thì dày, sần sùi, bì bì, màu giống màu da tê giác.

Nếu cắt sâm thành lát mỏng thì phần củ bên trong sâm thật có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Cùng với đó, sâm Ngọc Linh thật sẽ có mùi thơm nồng đặc trưng.

 

Trong khi đó củ tam thất có hình dáng dài hơn sâm Ngọc Linh, trên thân có chứa nhiều mắt. Tam thất không có củ chính, nếu có thì cũng nhỏ và hiếm rễ con bám quanh củ. Tam thất có vị đắng, cứng và nhiều xơ hơn so với sâm Ngọc Linh thật.

Sâm Ngọc Linh cũng có 2 loại là sâm được trồng và sâm mọc tự nhiên. 2 lọai này có hình dáng khác nhau. Sâm trồng thì xung quanh thân có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây nên tạo thành những cục. Loại sâm trồng này có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn về phần củ.

PV