Bộ Y tế: Xin cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax là nóng vội

(SHTT) - Bộ Y tế khẳng định, 4 loại vaccine Covid-19 Việt Nam cấp phép đều đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và vắc-xin Nano Covax thử nghiệm trên 1.000 người là chưa đủ dữ liệu khoa học để đánh giá.

Liên quan đến việc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen gửi thư đến Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 Nanocovax, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc Nanogen xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vaccine COVID-19 Nano Covax rất khó được chấp thuận vì để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không, Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học.

TS Nguyễn Ngô Quang- Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) khẳng định: "Đối với vaccine COVID-19 Nano Covax, tôi không nói là vaccine này không an toàn, không đảm bảo tính sinh miễn dịch và không có hiệu lực bảo vệ. Nhưng hiện đang còn trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chưa xong và chưa có dữ liệu gì cả".

 Bộ Y tế: Xin cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax là nóng vội

Vì vậy, ông Quang cho rằng kiến nghị của Nanogen rất khó được chấp thuận bởi đây thuộc thẩm quyền chuyên môn của Bộ Y tế. Và để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không, Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học.

Ông Quang cũng cho biết thêm: "Đối với vắc-xin Nano Covax đang thử nghiệm giai đoạn 3 trên 1.000 người, đây là số lượng nhỏ, chưa mang tính cộng đồng so với số lượng hàng trăm triệu người sử dụng vắc-xin sau này. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tiêm mũi 1 vắc-xin đối với 1.000 tình nguyện viên nhưng con số này cũng chưa nói lên điều gì nhiều".

Được biết, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, vắc xin trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất.

Giai đoạn này được thực hiện trên quy mô lớn với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Kết quả của giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vắc xin đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không.

Kể cả sau khi đã được phê duyệt, các loại vắc xin đó đều phải liên tục bổ sung, cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vắc xin trong quá trình sử dụng.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được tiến hành ở quy mô nhỏ trên một số nhóm quần thể để kiểm tra độ an toàn, tính sinh miễn dịch và xác định liều lượng tối ưu.

“Việc đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 và 2 này không phải là yếu tố quyết định cho việc phê duyệt khẩn cấp”, Bộ Y tế khẳng định.

Chỉ có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới là yếu tố quyết định để đánh giá vắc xin này có hiệu quả bảo vệ hay không, có làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 hay không hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không.

Hải Hà