Cách nhận biết son môi nhiễm chì

(SHTT) - Mới đây, Một MC truyền hình vừa phải nhập viện cấp cứu vì nhiễm độc chì do thói quen dùng son đậm màu, đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho phái đẹp, những người coi son môi như một thứ không thể thiếu trong túi xách của mình.

Cách nhận biết son môi nhiễm chì. Ảnh minh họa

Theo thông tin đăng tải trên VnExpress, Tiến sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cô gái là một nữ MC truyền hình, có triệu chứng mất ngủ, táo bón, hay quên..., nghi ngờ bị nhiễm độc chì. Bác sĩ kiểm tra răng phát hiện viền lợi của cô đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng chì lên tới 32 mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép.

Cô gái cho biết không dùng thuốc nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì, ngoại trừ việc hàng ngày sử dụng son môi đậm màu đỏ, đỏ cam. Vì thế, tiến sĩ Duệ cho rằng nhiều khả năng cô bị nhiễm chì do son môi. Đây là trường hợp ngộ độc chì nghi ngờ vì dùng son môi đầu tiên tiến sĩ Duệ gặp tại Việt Nam.

Tiến sĩ Duệ cho biết, nữ bệnh nhân được điều trị thải độc chì trong một thời gian dài và chia nhiều đợt. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc mãn tính, chì sẽ lắng đọng ở nhiều bộ phận cơ thể, trong đó có xương.

Theo bác sĩ, không phải tất cả son môi đều chứa chì, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kim loại độc hại này có mặt trong son môi nhiều hơn mức mọi người thường nghĩ. Chì được nhà sản xuất cho vào thành phần son môi có tác dụng làm tăng độ bám dính. Son càng nhiều chì thì càng có độ bám dính lâu. Bác sĩ khuyên nên tránh dùng son môi màu đậm, khi đánh son thì không nên liếm môi và trước khi ăn cần lau sạch.

Sau đây là những dấu hiệu nhận biết son môi đã bị nhiễm chì:

Theo kinh nghiệm của  những người sử dụng son môi truyền tai nhau, để kiểm tra độ chì ở son là cho một chút son lên tay rồi dùng nữ trang bằng vàng chà xát. Nếu mỹ phẩm chuyển sang màu đen thì đó là thỏi son có chì. Tuy nhiên phương pháp này chỉ có tính chất tương đối, bởi lẽ ngoài chì thì các thành phần khác như sáp, dầu, các thành phần tạo màu, các thành phần chống nắng… khi tiếp xúc với vàng đều xuất hiện những vệt màu đen như thí nghiệm với chì.

Chị Linh Hương, một chủ cửa hàng mỹ phẩm ở Cầu Giấy chia sẻ: "Son môi nào cũng có chì, vì chì là thành phần giúp son bám vào môi, tuy nhiên, để đảm bảo cho môi không bị sạm đen, cần lựa chọn được son môi có độ chì vừa phải".

Chị Linh Hương cũng đồng thời chia sẻ cách thử đó là thử bằng nước, nếu quyệt son trên mu bàn tay, sau đó nếu lấy tay chà mạnh thấy son có thể hòa tan trong nước thì đó là loại son nên dùng.

Đối với những dòng son, khi uống nước hay khi chúng ta ăn, son bám quanh thành cốc, bát, dùng giấy lau không sạch thì son đó đã bị trộn vào một lượng chất hóa học có nguồn gốc từ dầu động vật. Dầu động vật bám rất chặt khi tiếp xúc với đồ sứ, đồ thủy tinh, có tác dụng tạo độ bóng cho son.

Lấy một mẩu son nhỏ, thả vào một cốc nước lọc, nếu mẩu son nổi lên trên mặt nước thì lượng chì ít, còn nếu son bị chìm xuống đáy cốc, thì đích thị có chì cao có thể gây hại cho sức khỏe.

PV (t/h)