Nguy cơ tiểu đường ở trẻ em khi xem tivi và điện thoại quá nhiều

(SHTT) - Nghiên cứu mới được công bố trên tờ Archives of Disease in Childhood của Anh đã tìm thấy mối liên hệ giữa thời gian xem tivi, điện thoại, ipad và một số nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường, bao gồm mức độ mỡ trong cơ thể và đề kháng insulin.

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy nếu người trưởng thành xem tivi, điện thoại quá lâu có nguy cơ tăng cân và mắc bệnh tiểu đường cao hơn.  

Trẻ xem tivi hoặc điện thoại nhiều hơn 3 tiếng mỗi ngày có nguy cơ tiểu đường cao hơn bình thường 

Các chuyên gia đã tiến hành khảo sát ở gần 4500 học sinh độ tuổi từ 9-10 tại 200 trường tiểu học ở London, Birmingham và Leicester (Anh). Họ tập trung vào các nguy cơ liên quan đến quá trình trao đổi chất, tim và mạch máu bao gồm chất béo, nồng độ glucose trong máu, các chất gây viêm, huyết áp, mỡ cơ thể, đề kháng insulin (được hiểu là các tế bào không phản ứng với insulin - hormon do tuyến tụy sản sinh để kiểm soát lượng đường trong máu).

Trẻ em tham gia khảo sát được yêu cầu trả lời các câu hỏi liên quan đến thời gian xem tivi và điện thoại, ipad mỗi ngày. Kết quả thu được khiến các chuyên gia không khỏi bất ngờ khi chỉ có 4% trẻ trong số 4500 trẻ trả lời rất ít khi sử dụng điện thoại hay tivi, trong khi hơn 37% trẻ dành một tiếng mỗi ngày, hơn 28% dành từ 1 – 2 tiếng, 13% từ 2 – 3 tiếng và 1% còn lại cho biết các em dành hơn 3 tiếng đồng hồ trước màn hình mỗi ngày.

Trong đó, 22% số các bé trai dành hơn 3 tiếng đồng hồ vào màn hình, ở các bé gái là 14%.

Thời gian sử dụng điện thoại và tivi cũng có sự khác biệt ở các châu lục, ở vùng châu Phi-Caribe là 23%, châu Âu và Nam Á đều là 16%.

 Nguy cơ tiểu đường ở trẻ em khi xem tivi và điện thoại quá nhiều

Kết quả cho thấy thời gian xem màn hình có liên hệ với các nguy cơ về bệnh tiểu đường, chỉ số cân nặng, chiều cao, độ dày và khối lượng mỡ của da, tất cả các chỉ số chất béo trong cơ thể.

Trẻ em xem tivi, máy tính, và điện thoại nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc các bệnh kể trên cao hơn những trẻ chỉ dùng 1 giờ hoặc ít hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra mối liên hệ chặt chẽ khi xem màn hình từ 3 giờ trở lên với mức độ leptin - hóc môn kiểm soát sự thèm ăn, đường glucose và đề kháng insulin.

Giáo sư Claire Nightingale từ trường đại học St George ở Đại học London, tác giả của nghiên cứu cho biết: "Từ kết quả của nghiên cứu này, chúng ta có thể biết được giảm thời gian xem phim sẽ có lợi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở cả nam và nữ, từ đó có thể điều chỉnh thời gian xem tivi, máy tính… phù hợp”.

Lê Phương