Phát hiện 'thành phố vàng mất tích' 3.400 năm tuổi bị chôn vùi dưới cát ở Ai Cập

(SHTT) - Vừa qua, nhà Ai Cập học nổi tiếng Zahi Hawass đã công bố việc phát hiện ra "thành phố vàng mất tích’’ có niên đại 3.400 năm tuổi. Có thể nói đây chính là khám phá khảo cổ học quan trọng thứ hai kể từ khi lăng mộ Tutankhamun được khai quật gần một thế kỷ trước.

Cụ thể, Zahi Hawass cho biết quá trình khai quật “thành phố vàng mất tích” đã bắt đầu từ tháng 9/2020 ở vùng phía tây Luxor, gần Thung lũng các vị vua, cách thủ đô Cairo khoảng 500 km về phía nam. Thành phố có tên gọi Aten, và được xem là thành phố cổ lớn nhất từng được phát hiện ở Ai Cập.

Theo nhóm các nhà khảo cổ Ai Cập, Aten là một đô thị công nghiệp của hoàng gia và được xây dựng để sản xuất các đồ tạo tác trang trí, đồ nội thất và đồ gốm, cùng các mặt hàng khác.

Dựa trên các chữ tượng hình trên nắp đất sét của các bình đựng rượu tại địa điểm kể trên, thành phố Aten được xác định có niên đại từ thời vua Amenhotep III, người trị vì từ năm 1391 đến năm 1353 trước CN và là một trong những Pharaoh quyền lực nhất của Ai Cập.

Trong vòng vài tuần kể từ khi bắt đầu cuộc khai quật, nhà khảo cổ học Hawass và nhóm của ông đã vô cùng hào hứng khi phát hiện ra những bức tường ngoằn ngoèo làm từ gạch bùn và cao tới 3 mét bị chôn vùi dưới cát. Có thể nói công trình tường thành này là một thiết kế hiếm có trong kiến trúc Ai Cập cổ đại.

Toàn cảnh "thành phố vàng mất tích" 

Sau bảy tháng khai quật, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy rất nhiều hiện vật có giá trị như nhẫn, bình gốm, mảnh vỡ từ hàng nghìn bức tượng và một số lượng lớn các công cụ có thể được sử dụng để kéo sợi hoặc dệt và đúc khuôn.

Hơn nữa, trong “thành phố vàng mất tích”, hiện các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một tiệm bánh và một khu vực nhà bếp (với lò nướng và đồ gốm để lưu trữ) ở phần phía nam của địa điểm nhằm phục vụ cho một lực lượng lớn lao động. Bên cạnh đó là một khu vực sản xuất gạch bùn và đây có thể đươc coi như một khu vực hành chính của thành phố Aten.

 Đồ gốm được khai quật

Nhóm các nhà khảo cổ học cho biết hiện quá trình khai quật “thành phố vàng mất tích” ở Ai Cập vẫn đang được tiếp tục tiến hành với hy vọng có thể khám phá và hiểu thêm nhiều hơn về cuộc sống người Ai Cập cổ đại vào thời kỳ phồn vinh nhất.

Phương Anh