Đột phá trong giải mã bí ẩn về 'siêu máy tính thiên văn' đầu tiên trên thế giới

(SHTT) - Các nhà nghiên cứu mới đây đã đưa ra tuyên bố về một bước đột phá mới trong nghiên cứu cơ chế Antikythera 2.000 năm tuổi, một máy tính thiên văn của thế giới cổ đại.

Cụ thể, cỗ máy Antikythera đã được phát hiện trong xác một con tàu ngoài khơi bờ biển Antikythera, Hy Lạp. Hộp số bí ẩn này được cho là do các nhà khoa học Hy Lạp thiết kế và xây dựng, có niên đại khoảng 87 TCN (Trước Công Nguyên)  hoặc từ 150 đến 100 TCN hay tới 205 TCN.

Kể từ thời điểm cơ chế Antikythera được phát hiện cách đây hơn một thế kỷ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra chính xác nguồn gốc của cỗ máy này, ai đã tạo ra nó, khi nào và ở đâu, hay nó được sử dụng cụ thể vào mục đích gì.

Cỗ máy Antikythera 2000 năm tuổi 

Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học tại Đại học London (UCL) đã thông báo rằng công trình nghiên cứu của họ có thể phần nào giải mã được về sự bí ẩn của cơ chế Antikythera.

Nhóm nghiên cứu đang trong quá trình dựng lại các thiết bị, bánh răng và toàn bộ cỗ máy Antikythera nhằm tạo ra một bản sao hay mô hình của cơ chế này bằng các máy móc tối tân nhất.

 

Adam Wojcik, một nhà khoa học vật liệu tại UCL cho biết: “ Việc tái thiết của nhóm chúng tôi hoàn toàn dựa trên cơ sở dữ liệu mà các nhà khoa học đã thu thập được từ những mảnh vỡ còn sót lại của cỗ máy Antikythera. Thế nhưng trong quá trình giả lập, chúng tôi vẫn gặp phải nhiều thách thức bởi thực tế 2/3 cơ chế này đã bị thiếu nên vẫn chưa thể tìm ra được cách thức hoạt động của cỗ máy”.

Trong bài đăng mới nhất trên tạp chí Scientific Reports, nhóm nghiên cứu UCL đã mô tả bản vẽ công trình của Michael Wright, cựu nhân viên quản lý kỹ thuật cơ khí tại Bảo tàng Khoa học London cũng như của các nhà khoa học khác về cỗ máy Antikythera. Ngoài ra, họ cũng sử dụng các chữ khắc trên thiết bị và một phương pháp toán học cổ đại nhằm tìm ra phương thức sắp xếp nhằm di chuyển hành tinh và các thiên thể theo một trật tự nhất định trong cơ chế kể trên.

 Mô hình bánh răng của cơ chế Antikythera

Theo nhóm nghiên cứu, “chiếc máy tính đầu tiên” trên thế giới có thể theo dõi được chuyển động của mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh khác, sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trên những vòng đồng tâm. Người Hy Lạp cổ đại đã chế tạo ra cơ chế Antikythera với giả thuyết vô cùng chính xác: mặt trời và các hành tinh quay quanh Trái đất, do vậy việc tái tạo đường dịch chuyển của vũ trụ bằng bánh răng sẽ khó hơn nhiều so với việc mặt trời được đặt ở trung tâm.

Một nghiên cứu mới nữa mà nhóm nghiên cứu UCL đã phát hiện ra đó là “Bàn tay rồng”, một mũi tên kim loại có hai đầu có thể cho biết được khoảng thời gian nguyệt thực và nhật thực sẽ xảy ra. Các nhà nghiên cứu tin rằng công trình này đã đưa họ đến gần hơn với sự hiểu biết thực sự về cơ chế Antikythera.

Cho dù nhóm nghiên cứu có thể tạo ra mô hình hoạt động của cỗ máy Antikythera thì những bí ẩn về “chiếc máy tính thiên văn đầu tiên” trong lịch sử vẫn còn bỏ ngỏ. Liệu cơ chế Antikythera chỉ là một món đồ chơi, một công cụ dạy học hay dành cho một mục đích khác? Và nếu người Hy Lạp cổ đại có khả năng chế tạo được một kiệt tác kỹ cơ khí như vậy, thì họ còn có thể làm ra được những đồ vật gì nữa?

Phương Anh