Sáng 9/3, Hà Nội và Gia Lai triển khai tiêm vaccine COVID-19

(SHTT) - Bản tin 6h ngày 9/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, trong sáng nay, Hà Nội và Gia Lai sẽ được triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 theo kế hoạch. Cùng ngày, Hải Dương, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp tục tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, ngày 9/3, Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Dự kiến có 30 nhân viên y tế đầu tiên sẽ được tiêm tại đây. Tiếp theo, sẽ có khoảng 300 cán bộ của CDC Hà Nội được tiêm vaccine COVID-19 và các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21. Đây là những trường hợp thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh.

 

Trước đó, vào hôm 8/3, tại 4 địa điểm bao gồm: Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có tổng cộng 377 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết,... đã được tiêm vaccine phòng chống COVID-19.

Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 66 người, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm cho 104 người, tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người.

Hiện sức khỏe của những người được tiêm chủng vẫn ổn định và không xuất hiện hiện tượng phản vệ sau tiêm.

Trong ngày 9/3, việc tiêm chủng sẽ tiếp tục được tiến hành theo kế hoạch tại 4 địa điểm trên. 

Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 và Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022.

 

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng cho biết vaccine được sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc.

Vắc xin được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đến ngày 25/2, vaccine này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Vaccine ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, sẽ sử dụng tiêm chủng mỗi liều 0,5 ml. Vắc xin được yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, cũng giống như các vắc xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, song nhà sản xuất cũng lưu ý tuyệt đối không được để đông băng vaccine.

Vaccine chỉ hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.

Các phản ứng có thể xảy ra sau tiềm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt.., và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.

Theo PGS. TS Dương Thị Hồng, đây là vaccine rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ.

Cũng như tất cả các vaccine khác, vaccine này khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1-2 ngày đầu sau tiêm). Cũng vì thế, để đảm bảo cho đợt tiêm chủng này, ngoài các quy định đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm.

Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để đảm bảo giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm. Đồng thời, sắp xếp không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng. 

Vaccine AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vaccine , người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K.

Thái An