Giải cứu nông sản Hải Dương: Ấm áp tình người giữa đại dịch

(SHTT) - Trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Hải Dương, hàng loạt hệ thống siêu thị đã làm việc cùng cơ quan chức năng để thu mua nông sản đang vào mùa thu hoạch.

 Nhằm hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, gia cầm trong dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã có công văn số 687/SCT-QLTM gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm; Ban quản lý chợ các quận nội thành Hà Nội đề nghị hỗ trợ tuyên truyền, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Đặc biệt, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16/2/2021, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (chuỗi siêu thị BRG Mart), chuỗi siêu thị MMMegaMarket… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

 Giải cứu nông sản Hải Dương: Ấm áp tình người giữa đại dịch

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200tấn/tuần;

MM Mega Market Việt Nam cũng đã có văn bản cam kết ngày hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương, bao gồm su hào, cải bắp và ổi và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam.

Theo MM, quá trình vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Trong đó, lái xe có xét nghiệm PCR trong vòng 3 ngày, phun khử khuẩn toàn bộ xe chở hàng và phương tiện, tuân thủ nghiêm quy tắc 5K...

Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

Bên cạnh việc phối hợp cùng các doanh nghiệp phân phối lớn, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Theo Bộ Công Thương, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối thực hiện việc đảm bảo lưu thông hàng hoá và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Điển hình như Công văn số 682/BCT-TTTN ngày 4/2/2020 của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản để ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch; Xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực trên địa bàn khi gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; Phối hợp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của địa phương rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để huy động khi cần thiết.    

Hương Mi