Cửa hàng Thành Đạt bán sản phẩm không có tem nhãn phụ, mập mờ về nguồn gốc: Người tiêu dùng chịu thiệt?

(SHTT) - Theo phản ánh của bạn đọc, một số mặt hàng được bày bán tại cửa hàng Thành Đạt như sữa, thực phẩm được giới thiệu là hàng nhập ngoại nhưng trên bao bì, vỏ sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ về nguồn gốc, xuất xứ khiến người tiêu dùng hoang mang khi mua hàng.

Vừa qua, tòa soạn Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc tại cửa hàng Thành Đạt (52 Quang Trung, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đang bày bán một số mặt hàng sữa, thực phẩm, dược phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Các mặt hàng tại đây được nhân viên tư vấn gọi là hàng xách tay.

 

Ngay khi nhận được phản ánh, PV của Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã tới cửa hàng để ghi nhận sự việc. Tại cửa hàng này, rất nhiều mặt hàng được bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã, từ các loại sữa đến thực phẩm chức năng như: Sữa tiểu đường và sữa tăng miễn dịch, sữa dành cho phụ nữ có thai, sữa dành cho người trưởng thành, sản phẩm cung cấp dưỡng chất cần thiết trước, trong và sau khi sinh của phụ nữ, thần dược tăng cường khả năng sinh sản cho nam giới, sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, nhân viên tại đây cho hay tất cả đều là hàng xách tay. Tuy nhiên mặc dù bao bì sản phẩm được in “chi chít” chữ nước ngoài song trên các sản phẩm không hề được dán tem nhãn phụ thể hiện những thông tin cần thiết bằng tiếng Việt về thành phần, tính năng, cách sử dụng, cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu…

 Những sản phẩm không có tem nhãn phụ được bày bán tại cửa hàng Thành Đạt

Đặc biệt, nhân viên bán sản phẩm của cửa hàng Thành Đạt không có kiến thức về dược nhưng vẫn tư vấn bán các loại dược phẩm như prospan,…

Có thể thấy, các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài không có nhãn phụ sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm, đồng thời làm gia tăng tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng...

Hiện nay, lợi dụng tâm lý sính hàng ngoại cũng như lòng tin của người tiêu dùng, không ít cửa hàng đã sử dụng chiêu bài quen thuộc là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay, bất chấp luật định, sức khoẻ của người tiêu dùng để thu lời bất chính. Khi xảy ra vấn đề ngoài ý muốn, thiệt hại không ai khác lại chính là người tiêu dùng!!!

Vì vậy dư luận có quyền hoài nghi về việc các sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc tại cửa hàng Thành Đạt liệu có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng? Trong khi tại đây bán hàng loạt dược phẩm dành cho trẻ em. Liệu các sản phẩm này có thực sự an toàn với sức khỏe trẻ nhỏ - đối tượng cần được bảo vệ nhất? Với mặt hàng dược phẩm, cửa hàng này có thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan chức năng không?

Trong năm 2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan…(hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.

Vậy vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu khi để cho các cửa hàng này bày bán sản phẩm đó?

Trên tinh thần bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi sẽ làm việc với phía doanh nghiệp để xác minh sự việc trên đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm nếu có.

Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định về ghi nhãn phụ như sau:

1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của nghị định này.

2. Nhãn phụ được sử dụng đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường.

3. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.

Phạm Tuấn - Đức Tài - Hương Mi