'Hà Nội 1967-1975' - Những hồi ức không thể lãng quên

(SHTT) - Thông qua 130 tác phẩm đen trắng và màu được trưng bày trong triển lãm "Hà Nội 1967-1975", nhiếp ảnh gia người Đức, Thomas Billhardt, đã kể lại những câu chuyện chân thực, giản dị nhưng cũng đầy hồi niệm về một Hà Nội xưa cũ trong những năm cuối thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Là sự kiện được khai mạc từ đầu tháng 10/2020, do viện Goethe tổ chức, Camera Work, Nhã Nam và Manzi phối hợp tổ chức, không gian triển lãm "Hà Nội 1967-1975" đêm đến cho người xem 130 tác phẩm ảnh đen trắng và ảnh màu được tác giả Thomas Billhardt chụp lại trong 6 lần ghé thăm Việt Nam trong những năm cuối kháng chiến chống Mỹ tại Thủ đô.

 
 
 

Các tác phẩm ảnh tái hiện lại những khoảnh khắc bình dị như cuộc sống đời thường và những góc nhỏ đi theo năm tháng của Hà Nội. Đó là hình ảnh về những hầm trú bom san sát trên hè phố, đường phố Hà Nội với xe đạp, tàu điện hay hình ảnh về những em bé được sinh ra trong thời chiến,... 

 Hình ảnh những đứa trẻ được sinh ra trong hầm tránh bom năm 1967

Viết về triển lãm "Hà Nội 1967 - 1975", ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe cho biết: "Ảnh của Thomas là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hoà bình".

Và Hà Nội của Thomas Billhardt là “một vùng kí ức Hà Nội đủ đầy, một bản trường ca tỉ mẩn vẽ nên cuộc sống bộn bề gian khổ nhưng đầy yêu thương…” trích bài viết của nhà văn Đỗ Phấn.

Với sự giúp đỡ của nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức và bạn bè Việt Nam, ông đã tìm thấy hai nhân vật của mình là bé Đoan Trang trong bức ảnh ngày nào, được chọn là ảnh bìa cho cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975 của Thomas Billhardt sẽ chính thức ra mắt bạn đọc trong tháng 10/2020.
Hình ảnh cô gái tên Hồng Ly được nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chụp lại vào năm 1975. Vào năm 1999 tác giả đã may mắn tìm được nhân vật khi trở lại Việt Nam. 
Hình ảnh người lính Cụ Hồ với mũ cối và huân huy chương trên ngực áo có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong thời kỳ kháng chiến.
Con người Hà Nội thông qua ống kính của tác giả hiện lên nỗi  thương khó thời chiến nhưng tình yêu vẫn luôn đong đầy. 
Đó cũng là vẻ đẹp của tình mẫu tử ... 
Hay niềm vui trong buổi học ngoại khóa tại vường hoa Diên Hồng của những đứa trẻ mẫu giáo vô lo, vô nghĩ. 

Chia sẻ sau khi nhìn ngắm các bức ảnh trong "Hà Nội 1967-1975", bà Hồng Hạ (65 tuổi, Ba Đình), cho biết, triển lãm là những giá trị nhân văn giúp chúng ta tưởng nhớ quá khứ và trân trọng hơn những giá trị hiện thực đang có được. Những thước phim ghi lại những góc xưa, đường cũ của Thủ đô thời chiến khiến những người đã có tuổi như bà nhớ về những năm tháng tuổi trẻ nhiệt huyết không thể tìm lại.

 Đường phố Hà Nội xưa nhộn nhịp với phương tiện chủ yếu là xe đạp
Hầm tránh bom năm 1968 
 Hình ảnh nhà cổ ở Hà Nội được tác giả chụp lại vào năm 1975
 Tàu điện trên đường phố Hà Nội năm 1975
 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1972 tại 49 phố Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm
 
 
 Sân vận động Hàng Đẫy năm 1975.

Triển lãm cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ, những người được sinh ra trong xã hội hiện đại nhưng đến với "Hà Nội 1967-1975" để có thể xem và cảm nhận về một mảnh đất dù trong chiến tranh khốn khó, nhiều buồn lo nhưng tình thương vẫn luôn tràn đầy và đâu đó niềm vui vẫn luôn bừng sáng giữa những khung hình đen trắng.

 

Triển lãm "Hà Nội 1967-1975" sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 15/11/2020 tại cả hai không gian triển lãm của Manzi. Cuốn sách ảnh "Hà Nội 1967-1975" cũng sẽ được Viện Goethe và Nhã Nam xuất bản và ra mắt trong tháng 10 này.

Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt nhất của Cộng hoà Dân chủ Đức. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới. Ông là người đầu tiên ghi lại nỗi kinh hoàng của cuộc chiến này trên các khuôn mặt trẻ thơ.

 Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt ở tuổi 83 vẫn mong muốn tới Việt Nam dịp này nhưng không thể do Covid-19

Từ năm 1962 đến 1975, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt đã có 6 lần tới thăm Việt Nam và trở lại sau đó 6 lần nữa. Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi này được xuất bản trong bốn cuốn sách ảnh: “Những phi công mặc pyjama” (1968), “Khát vọng hoà bình: Việt Nam” (1973), “Hà Nội - Những ngày trước hoà bình” (1973) và “Những gương mặt Việt Nam” (1978).

Năm 1999, Thomas tổ chức triển lãm Chiến tranh Việt Nam tại Hà Nội. Năm 2003, ông trở lại tổ chức triển lãm ở Hồ Gươm nhằm tìm gặp lại những nhân vật của mình.

Và trong năm 2020 này, cuốn sách ảnh cùng tên với triển lãm vừa được Nhã Nam xuất bản. Thomas Billhardt dùng từ “chân thực” để mô tả ảnh của mình nhằm nhấn mạnh tính độc lập trong cương vị nghệ sĩ, người đi tìm những hình ảnh trần trụi, không thiên vị của sự vật, hiện tượng.

Thái An