Cập nhật mới nhất tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung chiều 14/10

(SHTT) - Tình hình mưa bão vẫn đang gây thiệt hại lớn về người và của cho các tỉnh miền Trung. Tại một số nơi đang khẩn trương ứng phó với tình trạng mưa lớn sạt lở đất sau bão số 7.

 Thanh Hóa: Khẩn trương ứng phó với tình trạng mưa lớn sạt lở đất sau bão số 7

Trưa ngày 14/10, bão số 7 đã đổ bộ vào bờ biển Thanh Hóa và suy yếu, sức gió chỉ ở cấp 6 - 7, kèm mưa lớn. Mặc dù sức gió yếu không gây thiệt hại gì, nhưng theo dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão mưa lớn sẽ kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với bão và không khí lạnh nên từ ngày 14-16/10, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300 mm/đợt, khu vực đồng bằng ven Biển và phía Nam, Tây nam có nơi trên 300 mm; nguy cơ cao xảy ra lốc và gió giật mạnh; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.

Sáng nay, 14-10, tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), nơi dự kiến tâm bão số 7 sẽ đổ bộ, theo ghi nhận sức gió yếu chưa gây thiệt hại gì, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra.

 

Tại xã Nghi Sơn trong số 132 tàu thuyền đánh bắt trên biển có 120 tàu đã về neo đậu tại địa phương, 11 tàu vào tỉnh Quảng Ninh và 1 tàu đang ở Phú Quốc (Kiên Giang). 67 hộ dân sống bên sườn núi có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đã được di dời tới nơi an toàn. 74 hộ nuôi cá lồng bè được hướng dẫn giãn cách lồng. 1 tàu thuyền gặp sự cố đã được hỗ trợ đưa về nơi tránh trú bão an toàn.

Các địa phương ven biển như: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, TP Sầm Sơn… hàng nghìn tàu thuyền, bè mảng đã được ngư dân tập kết vào khu tránh trú bão hoặc kéo lên bờ, chằng néo cẩn thận. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có hơn 7.211 phương tiện với 25.378 lao động vào nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó có 109 phương tiện với 522 lao động đã vào các âu, bến tránh trú của tỉnh, số phương tiện và lao động còn lại đã vào tránh trú tại các nơi tránh trú bão của TP Hải Phòng, các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Định. Chính quyền các địa phương cũng tuyên truyền, hỗ trợ người dân làm bờ bao các khu nuôi trồng thủy sản tránh việc nước tràn gây thiệt hại con giống.

Tại huyện miền núi Quan Sơn, hiện có 659 hộ, 2.982 khẩu có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại các xã Na Mèo, Tam Thanh, Mường Mìn... Chính quyền huyện đã vận động, hỗ trợ người dân di dời về nơi tránh trú đảm bảo an toàn.

Các địa phương, đơn vị ở Nghệ An sẵn sàng ứng phó với bão số 7

Để chủ động ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão, sáng 14/10, nhiều địa phương, đơn vị ở Nghệ An đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống, sẵn sàng các điều kiện chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Đặc biệt ưu tiên việc bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn; đảm bảo ANTT tại những nơi sơ tán dân. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẵn sàng phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt; lực lượng cơ động, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ… triển khai các nhiệm vụ để sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, cứu giúp nhân dân khi bão đổ bộ.

Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị): Nhiều thôn bản bị chia cắt, cô lập

Cho tới chiều 13/10, tại cầu tràn Đakrông (quốc lộ 15D, đoạn giáp ranh giữa xã Bung và xã A Ngo) vẫn ngập sâu trong nước. Người dân ở bản La Hót (xã A Bung) không thể vượt qua dòng nước xiết để đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông (cơ sở 2) tại xã Tà Rụt.

 

Chính vì thế, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) phải túc trực để giúp đỡ người dân.

Công tác khắc phục sự tàn phá của mưa lũ ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông là rất khó khăn. Nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực để đến được với các thôn bản bị chia cắt, cô lập do mưa lũ gây ra phải trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm.

Nam Trà My (Quảng Nam): Cả taluy dương và taluy âm đều nguy cơ sạt lở

Mưa lớn những ngày qua liên tiếp trút xuống huyện vùng cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Trong khi đó, tuyến đường Đông Trường Sơn đoạn xuống làng Long Bok, ở thôn 3, xã Trà Mai có 1 khối  đá to rơi xuống chiếm gần nửa lòng đường, gây ách tắc giao thông.

 

Nhiều tuyến đường về các xã như Trà Vân, Trà Vinh, Trà Tập, Trà Cang… nhiều nơi bị sạt lở, có nơi sạt lở rất nặng. Đất đá, cây cối ngổn ngang dưới lòng đường, trên taluy dương núi cao chót vót những nơi đã gây sạt lở núi, nguy cơ tiếp tục ập xuống bất cứ lúc nào, dưới taluy âm sạt lở sâu hoắm. Giao thông nhiều nơi bị ách tắc, chia cắt.

Minh Hà