Công nghệ mới biến mỗi chiếc smartphone thành thiết bị đo lường chất lượng không khí

(SHTT) - Các nhà khoa học mới đây đã phát minh ra 1 thiết bị cảm biến ô nhiễm không khí nhỏ nhất thế giới. Sáng chế này có thể đặt gọn trong 1 chiếc smartphone và biến chúng trở thành 1 trung tâm đo lường chất lượng không khí di động.

Ô nhiễm không khí hiện đang là vấn đề lớn đối với sức khỏe của loài người. Trong khi các hạt pm10 có đường kính 10 micron trở xuống cũng có thể xâm nhập vào phổi của chúng ta thì các hạt pm2.5 mịn và nhỏ hơn càng nguy hiểm hơn, vì chúng có thể xuyên qua hàng rào phổi, đi thẳng vào máu và qua phơi nhiễm mãn tính gây ra các dạng bệnh tim mạch và hô hấp nghiêm trọng, cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí góp phần gây ra hơn 4 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Hiện nay, nồng độ của các hạt pm2.5 có thể được đo lường thông qua các trạm quan trắc đặt xung quanh các thành phố và khu vực và các quốc gia thường sử dụng một mạng lưới toàn quốc các trạm này để theo dõi xu hướng chất lượng không khí.

Tuy  nhiên các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Graz của Áo (TU Graz) đang phát triển 1 thiết bị cảm ứng điện tử siêu nhỏ có thể tích hợp trong mỗi chiếc smartphone để cảnh báo người dùng cá nhân về các điều kiện nguy hiểm về không khí trong thời gian thực.

 

Nhóm nghiên cứu cho biết, với thiết bị cảm ứng này, người dùng có thể nhận được các cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm để tránh lưu thông qua các khu vực có chất lượng môi trường kém.

Ngoài ra, cảm biến này cũng có thể được sử dụng trong nhà hoặc trong các ứng dụng cục bộ ngoài trời, với chi phí thấp hơn đáng kể so với các giải pháp hiện có.

Thái An