Lãi dự thu nhà băng tăng mạnh như... nợ xấu

(SHTT) - Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, lãi dự thu nhiều ngân hàng tăng nhanh. Cá biệt, có ngân hàng lãi dự thu tăng 35% đến trên 40% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi, phí phải thu (hay lãi dự thu) là một khoản mục rất đặc thù của ngành ngân hàng. Việc hạch toán lãi dự thu cho phép các ngân hàng ghi nhận nguồn thu vào kết quả hoạt động kinh doanh dù chưa thực thu được tiền. Thực tế, rất nhiều khoản tính lãi dự thu không có khả năng thu hồi tiền gốc, chưa nói đến lãi. 

Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao. Theo đó, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ, cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.

Nếu so với nợ xấu thì khoản lãi dự thu cũng là một “khối u” nhức nhối không kém gì. Lãi ảo ở các ngân hàng đang tăng mạnh trong thời gian qua, có thể dẫn đến các hệ lụy như gia tăng nợ xấu, đe dọa lợi nhuận, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhà băng…

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, nhiều ngân hàng ghi nhận lãi dự thu tăng “chóng mặt”. Một số ngân hàng có mức tăng mạnh nhất như SHB tăng vọt 43% so với cuối năm trước, tương đương tăng từ 8.065 tỷ đồng lên 11.520 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại SHB.

Ngân hàng NamABank ghi nhận tăng từ 1.315 tỷ đồng lên 1.812 tỷ đồng, tương đương tăng 38% so với cuối năm trước. Saigonbank tăng 34% so với đầu năm, lên mức 276 tỷ đồng.

Tương tự, 6 tháng đầu năm 2020, lãi dự thu tại VietBank tăng từ 1.609 tỷ đồng lên gần 2.213 tỷ đồng, tương đương tăng 37% so với cuối năm trước.

Một số ngân hàng khác, mức độ tăng lãi dự thu tuy chậm hơn song cũng chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể,  “ông lớn” BIDV cũng ghi nhận lãi dự thu hơn 13.258 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cuối năm trước.

Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2020 soát xét tại BIDV.

TPBank có lãi dự thu gần 1.565 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm trước; VietABank cũng tăng 22% so với cuối năm trước, lên mức 3.806 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, kết thúc 6 tháng đầu năm, SCB là nhà băng có lãi dự thu cao nhất hệ thống ngân hàng với 71.352 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối năm trước.

Bên cạnh đó vẫn có nhiều ngân hàng ghi nhận lãi dự thu giảm trong nửa đầu năm nay chẳng hạn như BacABank, Sacombank,…

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều kế hoạch kinh doanh tại các ngân hàng cơ bản đã bị “vỡ” kế hoạch, dự kiến sẽ gây áp lực lớn tới lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm nay.

Ngoài những áp lực liên quan tới tăng trích lập dự phòng, nguồn thu thì cũng phải kể tới áp lực thoái lãi dự thu khi lượng lớn nợ vay sẽ phải chuyển nhóm hoặc tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (cho phép giữ nguyên nhóm nợ nhưng không cho phép ghi nhận lãi dự thu).

Hà Phương