Chưa được WHO chứng nhận, vaccine COVID-19 của Nga đã nhận được 20 đơn hàng khủng

(SHTT) - Chưa được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận nhưng Sputnik V, vaccine COVID-19 đầu tiên do Nga phát triển, đã nhận được 20 đơn hàng lớn từ các nước trên thế giới với số lượng lên tới 1 tỉ liều.

Vaccine Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế Nga chứng nhận có tên Sputnik V. Lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Nga được phóng thành công lên không gian năm 1957 - là sản phẩm nghiên cứu phát triển của Viện Nghiên cứu Gamaleya hợp tác cùng Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).

 Hiện Bộ Y tế Nga đã cấp chứng nhận cho vaccine Sputnik V và cho biết sẽ sớm đưa vào lưu hành trên thị trường

Các đơn hàng đặt vaccine Sputnik V của Nga đến từ 20 nước thuộc Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Á.

Trước đó, Sputnik V đã được Bộ Y tế Nga chứng nhận vào ngày 11/8. Việc chứng nhận này được chính Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận. Ông Putin còn cho biết con gái ông đã được tiêm vaccine này và chỉ bị sốt nhẹ.

Vaccine Sputnik V sẽ sớm được đưa vào sản xuất hàng loạt và có thể sẽ ra mắt công chúng vào tháng 1/2021, đối tượng được ưu tiên tiêm sẽ là nhân viên y tế và giáo viên.

Theo lời Tổng Giám đốc RDIF, ông Kirill Dmitriev, các liều vaccine Sputnik V sản xuất tại Nga sẽ được sử dụng nội địa, các liều vaccine dùng cho các nước khác sẽ được sản xuất từ nước ngoài.

Vaccine Sputnik V hiện chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận. WHO cho biết “đang duy trì liên lạc chặt với nhà chức trách y tế Nga”. Theo người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic, quá trình đánh giá bất kỳ vaccine nào cũng đòi hỏi “sự xem xét và đánh giá khắt khe toàn bộ các dữ liệu an toàn và hiệu quả”, mà WHO chưa thấy được điều này ở vaccine của Nga.

Nhận định về việc Nga thông qua Sputnik V quá nhanh chóng, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho biết: “Vấn đề không phải là quốc gia đầu tiên có vắcxin. Vấn đề là phải có một loại vắcxin an toàn, hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới".

 Giới chức y tế tại Mỹ và Đức vẫn còn hoài nghi về chất lượng của Sputnik V và quyết định vội vàng của chính quyền Nga khi thông qua chủng vaccine mới quá nhanh.

Theo Bộ trưởng Y tế Mỹ, cần có dữ liệu minh bạch và dữ liệu này phải được đưa ra từ giai đoạn với 3 thử nghiệm lâm sàng để cho thấy một loại vắcxin an toàn và hiệu quả.

Cũng đưa ra quan điểm về việc Nga chứng nhận cho loại vaccine Covid-19 đầu tiên và đồng ý cho lưu hành, đại diện Bộ Y tế Đức ngày 11/8 cho biết: “Việc cấp phép cho vắcxin ở châu Âu, cùng với xác nhận chất lượng tân dược, còn cần cung cấp đầy đủ thông tin thu được từ các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính hiệu quả và vô hại của nó".

Bộ Y tế Đức nhấn mạnh trước khi sử dụng vắcxin, cần chứng minh “sự tích cực của lợi ích trước nguy cơ.”

Cơ quan này lưu ý rằng vắcxin của Nga vẫn chưa vượt qua nghiên cứu giai đoạn 3, vì vậy Berlin không đàm phán “cùng phát triển vắcxin" với Moskva.

Bình An