Nga hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người

(SHTT) - Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/7 thông báo nước này đã hoàn thành thử nghiệm vaccine Covid-19 trên nhóm các tình nguyện viên tại Đại học Y khoa Quốc gia Sechnov với kết quả tích cực. Sự kiện này đã giúp quốc gia này trở thành nước đầu tiên hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người.

Thông báo nêu rõ 18 người đã tham gia các cuộc thử nghiệm trên và được cách ly tại bệnh viện quân y Burdenko ở thủ đô Moskva kể từ 18/6. 28 ngày sau khi tiêm vaccine , các dấu hiệu sinh tồn của nhóm tình nguyện viên này vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tất cả đều không gặp bất kỳ "biến chứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào."

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh các kết quả thử nghiệm "cho phép chúng tôi tự tin thông báo về tính an toàn và chất lượng khá tốt của vaccine".

Nhà nghiên cứu Svetlana Volchikhina tham gia quá trình thử nghiệm cho biết sức đề kháng của các tình nguyện viên hiện rất tốt, các kháng thể vẫn tiếp tục được tạo ra và họ đã được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, nhóm tình nguyện viên thứ hai tiếp nhận vaccine hôm 23/6 đang được cách ly và theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.

Bộ Quốc phòng Nga dự kiến các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 7 này.

 

Trước đó, vào ngày 8/7, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Rossya-1, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, nước này phát triển tổng cộng 47 loại vaccine chống Covid-19, trong số này có gần 20 loại vaccine có triển vọng. 

Trong 1 diễn biến liên quan, vào ngày 14/7 mới đây, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cũng cho biết sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người đối với vaccine Covid-19 vào ngày 27/7, sau khi những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn đã được công bố trên một tạp chí có uy tín.

Trong thử nghiệm giai đoạn 3, các nhà khoa học sẽ tuyển dụng 30.000 người tham gia ở Mỹ, một nửa được tiêm vaccine ở mức liều 100 microgam và nửa còn lại tiêm giả dược.

Giai đoạn thử nghiệm này để biết độ an toàn của vaccine, khả năng ngăn ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2, hoặc nếu vẫn bị nhiễm thì liệu vaccine có thể ngăn ngừa tiến triển thành các triệu chứng hay không.

Nếu người được tiêm có các triệu chứng, vaccine vẫn có thể được coi là thành công nếu nó ngăn chặn được các trường hợp Covid-19 nặng.

Theo thông báo, nghiên cứu sẽ được thực hiện đến ngày 27/10.

Cùng ở giai đoạn 2 trong cuộc đua này có vaccine SinoVac của Trung Quốc.

Bình An