Bộ trưởng GD-ĐT nói gì về việc Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm hiệu trưởng đại học?

(SHTT) - Chiều 23/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nói về việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.

 Ngay sau khi có thông tin UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm chức hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ 1/7/2019) là quy định về việc thực hiện tự chủ đại học, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm và hiệu lực của Hội đồng trường. Nguyên tắc đề ra là đảm bảo để Hội đồng trường hoạt động “thực quyền” hơn.

Theo đó, Hội đồng trường có quyền quyết định trong việc lựa chọn hiệu trưởng để điều hành các hoạt động của trường, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể.

 Bộ trưởng GD-ĐT nói gì về việc Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm hiệu trưởng đại học?

Sự việc cụ thể tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Nhạ thông tin, báo cáo gửi Bộ Giáo dục của trường đại học Hạ Long cho biết, việc chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng nhà trường trong giai đoạn hiện nay là nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với một trường mới thành lập với các mục tiêu phát triển mạnh mẽ ở phía trước.

Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Thắng được bổ nhiệm chức vụ này để thay cho vị Phó Chủ tịch đang nắm giữ vị trí hiệu trưởng trường này vừa nghỉ hưu.

Trường đại học Hạ Long khẳng định, giai đoạn tiếp theo, sau khi tổ chức bộ máy nhà trường ổn định, đại học Hạ Long sẽ chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiện toàn chức danh hiệu trưởng, phù hợp với quy định, yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn.

“Việc chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường đại học chỉ nên là giải pháp tình thế trước mắt. UBND tỉnh Quảng Ninh cần xem xét chỉ đạo Trường Đại học Hạ Long sớm kiện toàn nhân sự Hiệu trưởng chuyên trách để tập trung vào công tác quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường” - ông Nhạ nói.

Theo ông Nhạ, các cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học trên cả nước cần bám sát các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định luật pháp liên quan trong chỉ đạo thành lập, công nhận Hội đồng trường, hiệu trưởng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Vân Mai