Tiến sĩ trẻ và giấc mơ thuốc ung thư cho người nghèo

Từ chối những dự án nghiên cứu triệu đô nơi xứ người, một nữ tiến sĩ trẻ ngành dược khăn gói trở về Việt Nam với giấc mơ về loại thuốc điều trị ung thư cho người nghèo. Chị là Trần Hà Liên Phương, giảng viên Trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM).

“Lái” đường đi của thuốc

Tìm gặp TS Phương với mong muốn được tìm hiểu dự án thuốc ung thư mới, chị không ngần ngại chia sẻ: “Đó là hướng đi mới tại Việt Nam. Còn trên thế giới, những đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để điều chế thuốc đã khởi động từ vài năm nay. May mắn khi tôi được Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nha Trang hỗ trợ nguồn nguyên liệu quan trọng. Đó là Fucoidan, được chiết xuất từ tảo nâu vốn phổ biến tại các vùng biển của Việt Nam. Fucoidan có hiệu quả trong việc chống lại sự tạo thành và phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công bố nào ứng dụng nguyên liệu này như một hoạt chất trị ung thư cho các hệ nano, ngoại trừ các công bố về việc nghiên cứu quy trình chiết xuất. Đó cũng là khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đầu của đề tài cần giải quyết”.

Theo chị, các thuốc chống ung thư hiện nay đều thuộc loại không ưa nước và khó tan. Nên khi thuốc vào cơ thể thường bị đào thải nhanh ra khỏi hệ thống tuần hoàn máu, dẫn đến phần lớn các phân tử thuốc không thể đến được vị trí mô ung thư để điều trị. Chưa kể kèm theo là những tác dụng phụ như giết chết tế bào lành. Vì vậy, việc kết hợp một thuốc khó tan và Fucoidan (loại dễ tan) để chế tạo các hạt nano được mong đợi sẽ cho hiệu quả trị ung thư tăng gấp bội và giảm thiểu các tác dụng phụ thường gặp. Hạt nano sẽ lái các hạt thuốc tìm đến đích, đồng thời len lỏi vào các khe hở trong cấu trúc tế bào ung thư để tiêu diệt.

“Nghiên cứu khoa học như giải một bài toán khó. Có thể mất một khoảng thời gian dài đến rất dài. Hiện đề tài của tôi chỉ mới dừng lại ở những kết quả bước đầu trong phòng thí nghiệm. Khó để nói chính xác thời gian hoàn thành. Nhưng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2014, những thử nghiệm đầu tiên trên tế bào ung thư được thực hiện. Những kết quả có được sẽ thể hiện chính xác giá trị của đề tài nghiên cứu này”, TS Phương khẳng định.

Từ giấc mơ... con trẻ

Mới đây, niềm vui đến với TS Phương khi Hội đồng khoa học đã trao học bổng nghiên cứu cấp quốc gia L’Oreal – UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” cho đề tài mà chị theo đang theo đuổi. Nhưng chị tâm sự rằng, đó vừa là niềm vui, vừa là áp lực bởi con đường nghiên cứu khoa học của bản thân vẫn còn khá non trẻ. Ngoài kiến thức có được sau nhiều năm đèn sách, có lẽ niềm tin lớn nhất trong nghiên cứu của chị chính là nuôi dưỡng giấc mơ… con trẻ của mình. Chị kể: “Gia đình có ba là kỹ sư dược, mẹ là bác sĩ trong bệnh viện nên ngay từ nhỏ tôi đã làm quen với những viên thuốc đủ màu sắc. Khác với bạn bè cùng trang lứa, không hiểu sao tôi lại “yêu” cái mùi của bệnh viện, thích được ba hướng dẫn cách điều chế thuốc. Giấc mơ con trẻ cứ thế lớn dần, trở thành động lực để tôi bước chân vào giảng đường của Trường Đại học Y Dược TPHCM”.

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng dược sĩ, rồi học lên cao học cũng đúng chuyên ngành đã chọn trước đó. Mãi đến khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc tế KangWon (Hàn Quốc), TS Phương mới chuyển hướng làm quen với khái niệm công nghệ nano trong điều chế thuốc. Vậy mà chỉ trong 5 năm nơi xứ người, chị đã có đến 23 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín. “Với lý lịch đó, tôi có thể được nhận vào nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm lớn, được làm việc cùng với các giáo sư uy tín. Tuy nhiên, quê hương luôn là nỗi trăn trở. Được sống ngay trên quê hương, tự tay điều chế thuốc cho người Việt mình bao giờ cũng tạo cho mình thích thú hơn cả. Và tôi đã viết thư gửi cho Giáo sư Võ Văn Tới (Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh của trường), với mong muốn được là cộng sự của thầy”.

Giờ đây, sau những giây phút vùi mình trong phòng thí nghiệm, TS Phương lại trở về bên gia đình nhỏ của mình. Chị thừa nhận, thật khó để lựa lời nói giữa nghiên cứu khoa học và gia đình đâu là tình yêu lớn nhất. Nhưng gia đình chính là động lực để chị tiếp tục hoàn thành giấc mơ tìm ra một hệ trị liệu mới thật hiệu quả trong công tác điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam, nhất là cho những bệnh nhân nghèo.