Chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam hậu Covid-19

(SHTT) - Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản và khuyến nghị chính sách để nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19.

PGS., TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định tác động của dịch Covid-19 là rất lớn và khác lạ so với những khủng hoảng tài chính trước đây.

Ông đưa ra ba kịch bản cho nền kinh tế dựa trên ba kịch bản về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Với kịch bản thứ nhất, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý 2/2020.

 Chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam hậu Covid-19 

Kịch bản thứ hai kém lạc quan hơn, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 3/2020.

Với kịch bản thứ ba, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 4/2020 và đầu quý 1/2021.

Dù trong bất kỳ kịch bản cho thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, vị tiến sĩ này cho rằng “sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đặt ra hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

Với kịch bản đầu tiên, đến cuối tháng 6/2020 bệnh dịch sẽ được kiểm soát, và sau quý 2 thì bệnh dịch được chặn đứng, từ đó nền kinh tế thế giới có thể có thể đi vào hồi phục. Nền kinh tế sẽ bắt đầu đi vào tiến trình hồi phục vào quý 3.

Tuy nhiên giai đoạn hồi phục cũng sẽ rất lâu, ít nhất phải 6 tháng đến 1 năm để trở lại như bình thường. Với kịch bản khá lạc quan này, ông Hiếu cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 5%.

Với kịch bản thứ hai, đến cuối tháng 6, Việt Nam và thế giới vẫn chưa kiểm soát được bệnh dịch thì cả nền kinh tế thế giới và kinh tế sẽ đi vào khủng hoảng. Thậm chí, kinh tế Việt Nam có thể đối diện với áp lực tăng trưởng âm, quy mô nền kinh tế của Việt Nam có thể dưới 300 tỉ USD.

Nếu kịch bản thứ hai xảy ra, ông Hiếu cho rằng các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó là người lao động, các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, nếu dịch bệnh cho đến cuối tháng 6 vẫn chưa được kiểm soát, tính thanh khoản của các ngân hàng cũng là điều rất đáng lo ngại.

Hạ Vân