Quan Hóa - Thanh Hóa: Mức hỗ trợ thấp, hàng chục hộ dân không muốn tái định cư

(SHTT) - Hàng chục người dân bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn liều mình bám trụ nơi ở cũ, không muốn tái định cư (TĐC) dù thiên tai luôn rình rập?!

Theo bà con bản Co Me, sau đợt lũ lịch sử năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư một khu TĐC cho 64 hộ dân bản, đến nay vẫn còn 37 hộ dân chưa chuyển đến nơi ở mới, chấp nhận hàng ngày đối mặt với nguy hiểm rình rập do thiên tai có thể xảy ra. Lý do khiến 37 hộ dân đành đánh cược với tính mạng không TĐC được bà con nơi đây đưa ra là mức hỗ trợ thấp. Hộ anh Phạm Bá Lĩnh là một trong 37 gia đình chưa đồng ý TĐC. Anh Lĩnh cho biết: “Mức hỗ trợ 40 triệu là quá thấp trong khi căn nhà mình xây trị giá gần 1 tỷ đồng. Phá bỏ nhà cũ đến nơi ở mới thì lấy tiền đâu để cất dựng”.

Cũng theo bà con bản Co Me, để rời nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình quả không đơn giản nhưng người bản Co Me không muốn nhìn thấy nước lũ ập đến trôi đi nhà cửa, tài sản, thậm chí cả tính mạng nên khi có chính sách TĐC, bà con đã đồng ý. Tuy nhiên, sau khi được biết mức hỗ trợ thì bà con phải tính toán, suy nghĩ, đắn đo.

 Quan Hóa - Thanh Hóa: Mức hỗ trợ thấp, hàng chục hộ dân không muốn tái định cư

Bà con nơi đây cho biết, hầu hết các gia đình trong bản đều rất khó khăn, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng (đối với hộ bị thiệt hại một phần), 75 triệu đồng (đối với hộ gia đình thiệt hại hoàn toàn) của UBND tỉnh Thanh Hóa là thấp, không đủ để các hộ từ bỏ căn nhà cũ đã đầu tư kiên cố để dời đến nơi ở mới.

UBND xã cũng đã cử cán bộ đến bản vận động bà con TĐC song bà con vẫn chưa thể rời nơi ở cũ. Theo gia đình ông Phạm Mạnh Hưng, gia đình ông không phản đối chính sách TĐC của Đảng và nhà nước, song kinh tế gia đình ông hạn hẹp, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng để di chuyển đến nơi ở mới là rất khó, không đủ chi phí di chuyển căn nhà. Ông Hưng thở dài: “Những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, họ nhận mức hỗ trợ 75 triệu đồng, phần lớn đã TĐC yên tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống còn những hộ như gia đình tôi, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng thì thực sự là không đủ để TĐC”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn huyện Quan Hóa cho biết: Bên cạnh các gia đình đã ổn định cuộc sống tại vùng TĐC thì hiện bản Co Me còn 37 gia đình chưa thể TĐC. Lý do các hộ đưa ra là do mức hỗ trợ thấp, không đủ để TĐC.

“UBND xã đã nhiều lần cử cán bộ xuống tuyên truyền, vận động bà con TĐC song bà con vẫn chưa đồng ý. Để xây dựng được căn nhà, nhiều hộ bỏ cả tiền tỷ, bây giờ vận động các hộ đến nơi TĐC với mức hỗ trợ như trên thì thực sự khó. Khó bởi nhiều hộ nếu chuyển đến nơi mới muốn cất dựng lại căn nhà cũng không đủ tiềm lực kinh tế” - Ông Diện bày tỏ.

Theo ông Diện, mỗi lần có mưa lũ đến thì giải pháp tình thế vẫn là vận động những hộ chưa TĐC đến nơi tránh trú an toàn.

Được biết, nơi sinh sống của hàng chục hộ dân bản Co Me hiện đang là nơi có tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở núi cũng như bão lũ nhấn chìm. Ngay ở bản này, một vết nứt của núi dài tới nửa cây số, rộng cả chục mét xuất hiện cách đây nhiều năm nhưng đợt lũ hồi năm ngoái, vết nứt này đã tiếp tục được mở rộng bởi những sạt lở. Điều đáng ngại là việc ngăn chặn những sạt lở trên bằng những rọ đá thủ công là khá mỏng manh và việc các hộ dân bản Co Me sinh sống dưới vết nứt, lở của núi thực sự đang là hồi chuông báo động.

Hạnh Linh