Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Chính sách không theo kịp công nghệ sẽ khiến nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn

(SHTT) - Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện Techdemo 2019 tại Gia Lai, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ việc chính sách không bắt kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay sẽ dễ dẫn tới nguy cơ tụt hậu và nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội và đất nước.

Tối 24/11 tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự khai mạc sự kiện Trình diễn và Kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo) 2019.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ, thời gian qua, khoa học công nghệ đã và đang có những đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc sự kiện Trình diễn và Kết nối cung - cầu công nghệ 2019 - Techdemo 2019 tại Gia Lai. Ảnh: Mạnh Hùng.

Ví dụ, đối với nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... việc thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa đang gây ảnh hưởng rõ rệt tới việc làm của hàng triệu lao động.

Ông nói, vấn đề cơ chế chính sách hiện hành còn chưa bắt kịp sự tiến bộ của khoa học, công nghệ sẽ dẫn tới nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đang là vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian tới, tập trung thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số định hướng, giải pháp tạo đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.

Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách, với những cơ chế đặc thù, cạnh tranh để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo của người dân, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ.

Đồng thời phát huy vai trò và tạo cơ chế phù hợp để các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới, sáng tạo, gắn các hoạt động nghiên cứu với nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận công nghệ, hấp thụ và làm chủ công nghệ.

Phát triển mạnh các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại các địa phương; hình thành cơ sở dữ liệu chung về công nghệ, chuyên gia công nghệ phục vụ cho hoạt động kết nối cung cầu công nghệ một cách hiệu quả và thiết thực; thúc đẩy hoạt động kết nối, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sẵn có của các viện, trường với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần mở rộng hoạt động kết nối cung cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cùng với đó, xã hội hóa mạnh các dịch vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Nguyễn Huế