Ra mắt văn phòng Shiatsu tại Việt Nam

(SHTT) - Ngày 2/11, Hiệp hội Shiatsu Nhật Bản và Liên hiệp Khoa học Doanh Nhân Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt văn phòng Shiatsu tại Việt Nam.

Tại buổi lễ, đại diện Hiệp hội Shiatsu Nhật Bản đã trao bổ nhiệm GS. Trương Thị Ngọc Ánh làm Chủ tịch Văn phòng Shiatsu Việt Nam với sự bảo trợ của Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam. 

 Đại diện Hiệp hội Shiatsu Nhật Bản trao chứng nhận thành lập Văn phòng Shiatsu Việt Nam

Được biết, GS. Trương Thị Ngọc Ánh có hơn 17 năm học tập và rèn luyện Shiatsu tại Nhật Bản. Với sức lực và tâm huyết của mình, bà mang liệu pháp Shiatsu massage về Việt Nam một cách thành công, giúp chuẩn hóa cho ngành Massage điều trị và Spa.  

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Shiatsu Việt Nam đã chính thức ký kết với trường đại học công nghiệp Vinh về chuyển giao mô hình đào tạo, nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tại Việt Nam.

 

Shiatsu được biết đến là thành phần cơ bản trong hệ thống y tế của nước Nhật. Các điều trị viên phải hoàn tất một chương trình đào tạo chính quy trong 3 năm (trên 2.100 giờ học) tại một trường được nhà nước công nhận. Chương trình học cung cấp cho họ một căn bản vững chắc về Tây y lẫn Đông y, đồng thời họ cũng được huấn luyện các kỹ năng thực hành. Sau khi đã hoàn tất khóa học, họ phải vượt qua một cuộc sát hạch do chính nhà nước tổ chức để được cấp giấy chứng nhận chính thức là một “Anma”, một điều trị viên Massage và Shiatsu.

Trong tiếng Nhật, “shi” có nghĩa là ngón cái còn “atsu” là ấn đè. Phương pháp massage Shiatsu thực chất là một thủ thuật mà trong đó người ta kết hợp bàn tay, lòng bàn tay và ngón cái để tạo áp lực trên da. Lực này sau đó sẽ tác động vào các huyệt đạo, làm khơi dậy năng lượng bên trong cơ thể.

 Ảnh minh họa

Những hiệu quả mà phương pháp massage Shiatsu mang lại cho sức khỏe đã được Bộ Y tế của Nhật Bản chứng nhận. Theo đó, Shiatsu có thể:

• Tăng sức sống cho da, làm cho da mềm dịu và dẻo dai, giảm bớt các dấu vết của tuổi tác.

• Cải thiện sức khỏe cho cơ bắp, giúp các khớp được ngay thẳng.

• Kích thích sự tuần hoàn của khí huyết, cải thiện việc cung cấp chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải cho các tế bào toàn thân.

• Điều hoà hoạt động của hệ thần kinh.

• Kích thích các phản xạ bản thể để điều hoà chức năng của nội tạng.

• Điều hoà hoạt động nội tiết.

• Điều chỉnh cột sống và chỉnh sửa tư thế và vị trí ngay ngắn cho khung xương.

• Giúp tiêu hoá tốt hơn qua việc hấp thụ chất dinh dưỡng thích hợp và bài tiết đều đặn.

• Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

• Giảm căng thẳng và phát huy việc kết hợp hài hoà giữa thân thể và tâm trí.

Minh Tuệ