Chỉ rõ trách nhiệm người gây thất thoát, lãng phí

Ngày 6-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đa số đại biểu cho rằng nên đổi tên thành Luật Phòng, chống thiên tai như đề nghị trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) của QH.

Chủ dự án phải mua bảo hiểm thiên tai

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách đối với việc xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm cuộc sống của người dân các vùng thường xuyên bị thiên tai; đầu tư và thu hút đầu tư, nghiên cứu và phát triển khoa học về thiên tai.

Một số ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể hơn về chính sách bảo hiểm thiên tai như: ưu đãi đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thiên tai; bắt buộc các doanh nghiệp, chủ công trình, dự án phải mua bảo hiểm về thiên tai cho công trình, dự án. Về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT, cho biết pháp luật một số nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ có quy định về bảo hiểm thiên tai đối với một số loại hình thiên tai. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành của Việt Nam không quy định bảo hiểm bắt buộc đối với thiên tai.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật được chỉnh sửa theo hướng: Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm thiên tai nhằm tạo lập thị trường bảo hiểm thiên tai. Trên cơ sở tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế, các chủ công trình, dự án sẽ mua bảo hiểm thiên tai cho công trình, dự án của mình.

Một quy định mới trong dự án luật là việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai. Tán thành việc ra đời quỹ này, song ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) băn khoăn với quy định quỹ được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân, và đề nghị tại sao không quy định đây là khoản đóng góp tự nguyện? Cùng quan điểm này, ĐBQH Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng cần phải cân nhắc kỹ quy định bắt buộc đóng góp Quỹ Phòng, chống thiên tai đối với các tổ chức, cá nhân, bởi quy định này có thể tạo tiền lệ cho việc phát sinh nhiều loại quỹ phải đóng góp sau này, trở thành gánh nặng cho người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ Phòng chống lụt bão hiện nay sẽ được nâng lên thành Quỹ Phòng, chống thiên tai khi luật có hiệu lực.

Thực tế hiện nay Quỹ Phòng, chống lụt bão là quỹ được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân - đã bổ sung nguồn lực không nhỏ cho công tác phòng chống thiên tai của các địa phương, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng với công tác phòng chống thiên tai. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ hơn về độ tuổi cũng như đối tượng bắt buộc phải đóng góp. Việc sử dụng quỹ này cũng cần phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, hàng năm phải được báo cáo HĐND các cấp xem xét.

Tăng cường giám sát, làm rõ trách nhiệm 

Chiều 6-6, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Cho rằng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua vẫn còn né tránh, chưa nhìn thẳng vào sự thật, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu thẳng thắn: Tôi không đồng tình với kiểu đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm thì “đáng khích lệ” mà lãng phí chưa ngăn chặn được. Sự lãng phí trong tổ chức lễ hội, cưới hỏi ma chay cũng không thể nói chung chung là “nhân dân” mà phải nói thẳng là do nhiều cán bộ lãnh đạo không gương mẫu thực hiện pháp luật. Tình trạng lãng phí do việc thực hiện các dự án có quy mô sử dụng đất lớn kéo dài trong nhiều năm là rất lớn, gây bức xúc và mất lòng tin trong nhân dân. Cần phải chỉ rõ trách nhiệm của người ra quyết định cũng như người thực hiện dự án đầu tư và có chế tài cụ thể, đủ tính răn đe chứ không thể chỉ hô hào “khuyến khích” tiết kiệm.

Đồng tình quan điểm này, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) đề nghị làm rõ Điều 30 về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, phê duyệt quy hoạch đầu tư. Có nhiều dự án ngay từ đầu khi đặt vấn đề đã có vấn đề, mà việc lập dự án tiền khả thi là rất tốn kém. Ví dụ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đưa ra không phù hợp, dù bị QH bác nhưng vẫn gây nhiều tốn kém trong quá trình có chủ trương, lập dự án tiền khả thi. Hoặc việc xây dựng các dự án không khả thi rồi phải hủy bỏ... đều rất lãng phí. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm của những người thiếu trách nhiệm trong lập, phê duyệt quy hoạch đầu tư, gây ra lãng phí.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) bày tỏ quan điểm, mọi hành vi gây thất thoát lãng phí phải được phát hiện và phải bồi thường, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu công khai minh bạch từ mục đích đến hiệu quả sử dụng để vừa thực hành tiết kiệm vừa xóa bỏ cơ hội tham nhũng. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) góp ý: “Muốn tiết kiệm, chống lãng phí thì phải định rõ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và cơ chế cho các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp, thanh tra nhân dân... tham gia giám sát”. Các ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) và nhiều ĐB khác cũng đồng thuận về việc cần phải xây dựng lại định mức, tiêu chuẩn, chế độ cho phù hợp với thực tiễn để làm căn cứ thực hiện tốt Luật Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí.

Ngăn chặn lợi ích nhóm trong hoạt động đấu thầu

Ghi nhận nhiều điểm mới trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ĐB nhấn mạnh yêu cầu ngăn chặn lợi ích nhóm trong hoạt động đấu thầu. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị cần giữ lại quy định như Điều 60 luật hiện hành là người có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kết quả đấu thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Vì hiện đang có tình trạng các công trình do các cá nhân hoặc các doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn ra làm thì rất hiệu quả, lời lãi cao, nhưng nếu là vốn do nhà nước bỏ ra thì lại hiệu quả rất thấp, thậm chí chất lượng không tương xứng. Luật phải có quy định chế tài về việc xử lý trách nhiệm đối với những người đứng đầu, nếu có về hưu thì cũng phải lôi ra xử.

Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Trần Ngọc Vinh, Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Phan Văn Quý (Nghệ An) đề nghị cần giải quyết triệt để bài toán thông thầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, luật nên thiết kế các điều khoản hạn chế việc lách luật. Cho rằng các nhà thầu dù trúng thầu hay không trúng cũng được “hưởng lộc” từ nhà thầu chính khi làm “quân xanh” và hệ quả là tài sản công thất thoát, công trình chất lượng kém, tiến độ không đảm bảo, các đại biểu đề nghị phải quy định hết sức cụ thể về các tiêu chuẩn và năng lực kinh nghiệm cũng như năng lực thiết bị máy móc, chuyên môn của nhà thầu. 

Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ cơ sở của định mức 500 tỷ đồng (mức buộc phải tiến hành đấu thầu rộng rãi), đồng thời cảnh báo về các thủ thuật chia nhỏ gói thầu hoặc lập dự án đấu thầu “đến 499 tỷ đồng” để “lách luật”. Đáng lưu ý, ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) khuyến nghị, một điểm mới trong dự luật lần này là đấu thầu qua mạng. Đây là hình thức có thể giúp việc tổ chức đấu thầu nhanh chóng, khách quan hơn, nhưng phải có hạ tầng thông tin tốt, cán bộ được tập huấn, đào tạo kỹ lưỡng. “Tính bảo mật trong đấu thầu phải rất cao, an ninh mạng của chúng ta có đảm bảo không?” - ĐB Huỳnh Thành Đạt băn khoăn và yêu cầu có sự chuẩn bị kỹ càng khi quyết định áp dụng hình thức này.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM): Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã đưa đấu thầu thuốc trở thành một nội dung mua sắm thường xuyên, song thuốc là một mặt hàng đặc biệt nên việc áp dụng những tiêu chí đối với nhà thầu xây dựng cho đấu thầu thuốc là không phù hợp. Nếu đưa đấu thầu thuốc vào luật thì nghị định hướng dẫn thi hành cần có điều khoản về một số trường hợp đặc thù. Gói thầu lớn hàng ngàn tỷ đồng thì bảo lãnh dự thầu rất lớn, doanh nghiệp bị “chôn vốn” vào đó, họ buộc phải đẩy giá bán thuốc lên. Cho nên về lâu dài phải có Luật Đấu thầu riêng cho thuốc, nếu không người dân vẫn sẽ phải sử dụng thuốc với giá cao.