Quản lý thực phẩm chức năng quá lỏng lẻo

Thực phẩm chức năng (TPCN) rất gần với dược phẩm, thế nhưng việc quản lý các loại sản phẩm này lại hết sức lỏng lẻo, hàng giả tràn lan trên thị trường và ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất TPCN tự công bố tiêu chuẩn và nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng thông báo và xin cấp phép bán ra thị trường. Đến khi dư luận lên tiếng nghi ngờ một loại sản phẩm nào đó thì cơ quan chức năng mới vào cuộc lấy mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm và mới biết sản phẩm bị làm giả. Theo nhiều chuyên gia y tế, đây là bất cấp trong quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mới đây (20-9), ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có quyết định thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) với Công ty TNHH Ruta Việt Nam và Công ty Cổ phần Dược liệu và vật tư y tế Hải Phòng, đồng thời xử  phạt vi phạm hành chính mỗi công ty 30 triệu đồng. Hai công ty này đã sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm giả khi thực hiện công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trinh nữ Hoàng cung & Tam thất và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nhất vương bổ thận Xtramen Gold.

Điều đáng nói ở đây, cả hai công ty này vừa được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm vào tháng 7 vừa qua.

Thực trạng doanh nghiệp tự làm giả phiếu kết quả kiểm nghiệm TPCN hiện nay được các cơ quan chức năng phát hiện ngày một nhiều.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, qua kiểm tra TPCN đã phát hiện khoảng 35% đơn vị mắc sai phạm về việc chưa thực hiện đúng nội dung ghi nhãn so với hồ sơ công bố, 17% chưa thực hiện công bố hợp quy phù hợp quy định ATTP, 17% chưa thực hiện đúng nội dung quảng cáo thực phẩm.

Bà Mai cũng cho biết, vào giữa tháng 8-2016 vừa qua, đơn vị này đã liên tiếp xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo điều kiện ATTP, trong đó không ít cơ sở sai phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Theo bà Mai, đôi khi mẫu sản phẩm mà cơ sở mang đi kiểm nghiệm để lấy kết quả tự công bố thì có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp ATTP, nhưng chưa hẳn tất cả sản phẩm khi đưa ra thị trường đều đúng tiêu chuẩn đó.

Hàng năm, Cục ATTP cũng ra quyết định xử phạt và thu hồi sản phẩm của hàng trăm sản phẩm TPCN có kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt chất lượng. Năm 2015, cục đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, mặc dù Cục ATTP đã kiên quyết xử lý, hạn chế thấp nhất sản phẩm vi phạm ảnh hưởng sức khỏe người dùng, nhưng với gần 20.000 sản phẩm có mặt trên thị trường thì khó kiểm soát ngày một ngày hai. Theo các báo cáo của Bộ Y tế, đến nay đã có gần 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh khoảng 20.000 sản phẩm TPCN. Từ năm 2014 đến nay, Cục ATTP đã cấp hơn 10.000 giấy phép sản phẩm TPCN các loại.

Đánh giá về thị trường TPCN và vấn đề quản lý nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Truyền khẳng định, khoảng 10 năm gần đây TPCN ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, vấn đề là điều kiện sản xuất, tiêu chí sản xuất đơn giản, doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn rồi bán ra thị trường, trong khi quản lý của cơ quan chức năng không kiểm soát hết (chủ yếu là hậu kiểm).

Hơn nữa, sản xuất TPCN hiện nay không phải chứng minh lâm sàng, vì sản phẩm mang chức năng là thực phẩm. Tuy nhiên, vì hỗ trợ chữa bệnh, TPCN tiệm cận với thuốc nên không thể uống bừa bãi, lung tung được. Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN; cần bắt buộc các công ty sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới), cần phải kiểm nghiệm, chứng minh lâm sàng và cũng cần xin số đăng ký như thuốc đông và tây y.