Bệnh viện huyện được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Ngày 25-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký văn bản số 6405/BYT-KCB, cho phép các bệnh viện tuyến huyện được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông.

Văn bản nêu trên - được gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế - đề cập việc tăng cường xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thực tế từ trước đến nay cho thấy, khi xảy ra tai nạn giao thông, nhiều  người điều khiển phương tiện mặc dù có sử dụng rượu, bia nhưng không được xét nghiệm kịp thời, sau một thời gian nhất định mới đến cơ quan công an trình báo thì khi đó nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở không còn chính xác,… thậm chí không còn. Do vậy, việc xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây tai nạn còn hạn chế.

Trước tình hình trên, để tăng cường triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA về việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên có đủ các điều kiện thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Sở Y tế sẽ đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị các cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Theo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Công an, cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đủ các điều kiện: có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu; có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm; có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu.

Thống kê của phòng Cảnh sát Giao thông TPHCM cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn xảy ra 567 vụ tai nạn giao thông đường bộ khiến 516 người chết, 153 người bị thương và 769 phương tiện hư hỏng. Theo đánh giá của Ban an toàn giao thông thành phố, tình hình tai nạn giao thông trong 7 tháng qua có nhiều diễn biến phức tạp và tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Lực lượng cảnh sát giao thông TPHCM cũng đã xử phạt 10.776 trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá quy định.