Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia

(SHTT) - Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” đã được diễn ra thành công với sự góp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong chiều ngày 24/6, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam".

Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; xác định nhu cầu và đề xuất các định hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để khai thác những lợi ích từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời ứng phó với những mặt trái do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này mang lại.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia

Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật được lắng nghe, trao dổi với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) để nhận diện đầy đủ về nhu cầu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, từ đó có những định hướng và giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi nhằm khai thác cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đồng thời hạn chế, kiểm soát những tác động tiêu cực phát sinh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo này, đồng thời đánh giá cao thành phần tham dự Hội thảo cũng như các chuyên đề tham luận tại Hội thảo mang tính thời sự, cấp bách hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ… Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, có thể ứng dụng công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây…. Yêu cầu với hệ thống pháp luật là phải đảm bảo phát triển bền vững, an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia, lấy quyền và lợi ích công dân làm trọng tâm. Các nguồn lực đang dịch chuyển theo hướng tích cực, có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, một số doanh nghiệp công nghệ đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, tạo dựng nên các thương hiệu uy tín như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT…

Vân Anh