Vấn nạn sách giả cần được xử lý nghiêm để hạn chế... “ăn cắp trí tuệ”

(SHTT) - Từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 500.000 bản sách và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu tại rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Theo báo Công Luận, tại hội thảo "Chống xuất bản phẩm lậu" ngày 20/6, ông Lê Thành Anh, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đánh giá tình trạng làm giả, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả có xu hướng ngày càng tăng cả về phạm vi, quy mô. 

Lãnh đạo một Nhà xuất bản thừa nhận, ngoài việc gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, làm thất thu cho ngân sách nhà nước… hành vi in và phát hành sách lậu còn “tàn phá” thị trường kinh doanh xuất bản phẩm lành mạnh, đồng thời góp phần phát tán những cuốn sách có tư tưởng chính trị sai lệch, nội dung văn hóa  không lành mạnh.

Theo thống kê của NXBGDVN, từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 500.000 bản sách và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu tại rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Riêng trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 năm 2019, cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng sách giả lên tới 120.000 bản và 87.000 đĩa tiếng Anh các loại làm giả sản phẩm của NXBGDVN chỉ tại hai địa bàn Hà Nội và Bình Định.

Tại Hà Nội, ngày 22/5/2019, tại Hoài Đức, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện kho sách in lậu, sách giả gồm tới 47.000 bản sách giáo khoa, sách bổ trợ các cấp từ tiểu học, THCS cho đến THPT và 87.000 đĩa tiếng Anh các loại…  làm giả sản phẩm của NXBGDVN.

Tại Bình Định, ngày 12/6/2019, Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Bình Định đã tạm giữ 72.602 cuốn sách có dấu hiệu in lậu sách của NXBGDVN, không có hoá đơn chứng từ hợp lệ bao gồm sách tiếng Anh, tin học, các loại vở bài tập, sách bổ trợ Tiểu học, THCS, THPT.

Vấn nạn sách giả cần được xử lý nghiêm để hạn chế... “ăn cắp trí tuệ”. Ảnh: Công luận

Thông tin trên tờ Pháp luật & Xã hội, dạo qua các con phố của Hà Nội (Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, Láng...) dễ dàng thấy sách lậu bày bán công khai. Thậm chí, gần đây, trên các kênh thương mại điện tử đã vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách lậu. Điều này khiến các nhà xuất bản đang đau đầu. Để xuất bản một cuốn sách rất công phu, tốn thời gian, công sức nhưng sách lậu thì chỉ trong “chớp nhoáng” đã hiện hình. Vì thế, các nhà xuất bản đều mong muốn cơ quan quản lý có giải pháp triệt phá tận gốc rễ nạn in lậu, sách giả để “cứu” những tác giả, những đơn vị làm sách.

Luận ra, liên quan đến vấn nạn sách lậu, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có quy định, xử phạt hành vi in lậu từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản (tức là in lậu); buôn bán sách lậu có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép… từ 300 bản trở lên. Hành vi in sách lậu còn vi phạm quy định tại Nghị định số 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Như vậy, vi phạm trong lĩnh vực này đã có chế tài nhưng mức phạt lại chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, in lậu sách lại siêu lợi nhuận. Thế nên cần có biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn để các cơ sở phát hành tự giác tuân thủ quy định như thu hồi giấy phép kinh doanh, không cho phép tiếp tục kinh doanh mặt hàng đã vi phạm; phải xây dựng các chế tài xử phạt đủ mạnh để quản lý thị trường này bằng các công cụ tài chính, chứ không thể trông chờ vào ý thức, đạo đức kinh doanh...

Hoàng Oanh