Cổ phong Việt Nam và phút tỏa sáng trên sân khấu nghệ thuật

(SHTT) - Nửa cuối tháng 7 năm nay, lần đầu tiên khán giả sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng y phục Việt Nam thời Lý trên sân khấu bộ môn kịch nói.

Trong những năm gần đây, chủ đề văn hóa – phong tục đang nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu thích lịch sử. Đã có rất nhiều nhóm nghiên cứu thực hiện phục dựng hoặc phỏng dựng các lễ nghi cung đình, bối cảnh văn hóa của người Việt xưa. Điểm sáng của phong trào này là các thiết kế phục trang lịch sử qua từng thời kỳ.

 
 Áo ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn qua sự thể hiện của những người mẫu trẻ

Bất chấp điều kiện khó khăn cả về chi phí và sự ít ỏi, thiếu thốn tư liệu thành văn, các bạn trẻ đã làm nên những kỳ tích nghiên cứu. Điều này nói lên không chỉ đam mê, tình yêu thật sự với di sản cha ông mà còn là cái tầm trong một lĩnh vực mà trước nay các nhà sử học gội cạo dường như đã bỏ qua. Vì vậy, có thể thấy lịch sử Việt Nam không hề chết trong tay giới trẻ mà chính thế hệ tương lai đã ươm mầm sống để sử Việt có thể bám rễ và vươn lên ngày một mạnh mẽ hơn nữa.

Cổ phong và những ứng dụng trong nghệ thuật

Ngoài biến tinh hoa văn hóa thành hiện vật hữu hình, những bạn trẻ làm cổ phong còn nâng tầm hoạt động này thành một làn sóng để kết nối những người cùng yêu thích chủ đề lịch sử. Bằng cách lan tỏa làn sóng cổ phong trên nhiều lĩnh vực: văn chương, truyện tranh, hội họa, thiết kế, điện ảnh… nền cổ phong Việt Nam hiện nay đã đạt được những kết quả đáng mừng với hàng loạt tác phẩm nghệ thuật.

Từ các sự kiện nhỏ như “một thoáng Tết Đoan Dương thời Lê Trung Hưng” khởi xướng bởi Công ty Ỷ Vân Hiên tại Hoàng Thành Thăng Long đến những dự án lớn như “Song Lang” bộ phim tái dựng thời kỳ cực thịnh của cải lương tại miền Nam…và gần đây nhất là “Phượng Khấu” lấy bối cảnh thời Nguyễn sơ, xoay quanh những tranh đấu trong nội cung triều đình. Tất cả những tác phẩm, sự kiện trên đều có điểm đặc biệt là được nghiên cứu và đầu tư rất kỹ về mặt mỹ thuật. Lấy ví dụ chính là dự án Phượng Khấu, tất cả các phục trang, lễ tiết, ẩm thực chốn cung đình đều được phục dựng sát nhất có thể so với thực tế lịch sử. Việc nghiêm túc trong làm bối cảnh sẽ giúp khán giả hiểu rõ được những giá trị văn hóa, thơ văn, phong tục tập quán của thời kỳ đó, và lan tỏa đến công chúng một cái nhìn đúng về ông cha ta giai đoạn trăm ngàn năm trước.

 Phượng Khấu – dự án được đánh giá là phục dựng khá sát với triều đại nhà Nguyễn

Có thể nói, những dự án cổ trang này đã đem đến một làn gió mới cho các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng lịch sử Việt Nam. Trước đó, nghệ thuật Việt chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim lịch sử nên không có kho tư liệu trang phục cổ làm tham khảo. Ngoài ra, sự thiếu thốn về tư liệu nghiên cứu các trang phục của từng tầng lớp xã hội qua từng thời kỳ vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải. Vì vậy đã dẫn đến sự phóng tác quá đà của các phục trang trong phim ảnh, kịch nghệ. Tác phẩm không những thất bại về mặt hình thức mà còn làm giảm giá trị chung, gây hiểu lầm, đánh đồng cho khán giả trong và ngoài nước.

Trở lại với làn sóng phục dựng cổ trang hiện nay, hành trình đi tìm sự thật của các bạn trẻ vẫn còn rất nhiều khó khăn và chông gai ở phía trước. Trở ngại không những đến từ việc các tư liệu bị mất mát và phá hủy quá nhiều, mà còn là sự hạn chế về tiếp cận các nguồn thông tin quý, những văn vật, bản thảo, những di chỉ khảo cổ. Đây là vấn đề đang rất cần sự chung tay giúp đỡ từ phía nhà nước để tiếp sức cho những tài năng trẻ.

 Mỹ nhân kế là một trong những bộ phim có phục trang bị phóng tác quá đà

Nối dài niềm tự hào…

Tiếp nối những thành công của các tác phẩm cổ phong, sắp tới đây một vở kịch mang tên “Huyền thoại Gò Rồng Ấp” sẽ được công diễn với sự hậu thuẫn của đơn vị nghiên cứu trang phục cổ Ỷ Vân Hiên. Được biết vở kịch nằm trong chuỗi các chương trình Ỷ Vân Hiên hướng tới nhằm lan tỏa nét đặc sắc của văn hóa Việt cổ. Đây là lần đầu tiên sân khấu kịch nói có một màn tái hiện các nét cổ phong chân thực, sát nhất với lịch sử.

Vở kịch được dựng dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế đặt nền móng cho triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất lịch sử nước Nam. Theo đó, mẫu thân của Người là một cô gái thường dân ở châu Cổ Pháp (nay là tỉnh Bắc Ninh). Vua Lý Công Uẩn cuối cùng được mẹ sinh ra trước cửa chùa và được nuôi nấng bởi sư Khánh Văn tại đây.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Ỷ Vân Hiên, trang phục sân khấu có tiếng nói riêng nên sẽ rất khó để phục dựng một cách chuẩn xác nhất. Tuy nhiên việc làm phục trang sẽ đáp ứng được những yêu cầu này, và sao cho phù hợp với vị thế, tính cách của từng nhân vật, sự thay đổi cảm xúc trong từng phân đoạn.

 NSND Lệ Ngọc phát biểu trong Lễ khởi công vở kịch “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”

Cũng theo ông Lộc, rất may mắn là tư liệu về trang phục thời Lý còn lưu lại được một số tài liệu về kiểu dáng, hoa văn trên áo. Vì vậy, đây sẽ là lần đầu tiên công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng y quan thời Lý một cách gần chính xác nhất. Đây là kết quả của cả ekip vở kịch với tinh thần sáng tạo tuyệt đối, không đặt ra giới hạn cho nghệ thuật, tất cả vì sân khấu dân tộc.

Ngoài ra, ekip sản xuất kịch cũng hé lộ, không chỉ phục vụ khán giả trong nước, vở “Huyền thoại Gò Rồng Ấp” sẽ còn tiến xa hơn với mục tiêu là công chúng Đông Nam Á và Châu Âu. Vì vậy, đây là một cơ hội tuyệt vời để tinh hoa văn hóa của người Việt – cụ thể là thời Lý được lan tỏa rộng rãi đến với bạn bè quốc tế. Chắc hẳn điều này cũng chính là mong muốn của tất cả những người yêu và trân trọng giá trị lịch sử của nước Nam ta.

Thể An