18 kho hàng tại TP.HCM nghi chứa hàng lậu, hàng cấm

(SHTT) - Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong 18 kho hàng có nhiều sản phẩm không hóa đơn chứng từ, không nhãn mác, hàng cấm...

 Theo thông tin trên tờ Người Lao Động, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa thông tin bước đầu về kết quả kiểm tra 18 kho hàng nghi chứa hàng lậu, hàng cấm tại TP HCM.

Đây được nhận định là vụ việc phức tạp, với khối lượng hàng hóa lớn, hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để xác định sai phạm.

Đợt kiểm tra do đoàn liên ngành gồm: Ban Chỉ đạo 389 TP HCM, Cục QLTT TP, Phòng Cảnh sát điều tra điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP) và Công an quận 6 tiến hành tiến hành, bắt đầu từ ngày 4-6 đến nay tại 18 kho hàng hóa tại địa chỉ số 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, TP HCM.

18 kho hàng tại TP.HCM nghi chứa hàng lậu, hàng cấm.  Ảnh: Người Lao Động

Báo Công Thương đưa tin, kiểm tra 18 kho hàng thuộc 12 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, trong đó có Công ty TNHH Kinh doanh XNK Cường Phan là đơn vị nhập khẩu trực tiếp. Các loại mặt hàng kiểm tra gồm dép lông, thú nhồi bông, tay cầm bằng nhựa chơi game, đồ che mắt, đồ sành sứ các loại, đồ lưu niệm, dép trẻ em các loại, dép đi trong nhà, bình trà bằng nhựa, máy xay sinh tố, máy sấy tóc, nồi nấu cháo bằng sứ sử dụng điện, ấm siêu tốc, phụ kiện ấm nước,…

Đoàn kiểm tra đã đối chiếu số lượng hàng hóa thực tế với hóa đơn xuất trình; đối với hàng hóa khớp với hóa đơn, đoàn kiểm tra đã trả hàng hóa cho DN; đối với hàng hóa DN không xuất trình được hóa đơn chứng từ, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ đưa về Cục QLTT thành phố; đối với một số hóa đơn có dấu hiệu nghi vấn, đoàn kiểm tra kiến nghị với cơ quan thuế xác minh nguồn gốc của hóa đơn có hợp pháp hay không.

Đến thời điểm hiện nay, lực lượng kiểm tra xác định các dấu hiệu ban đầu gồm: hàng cấm kinh doanh có 775 sản phẩm (đồ chơi trẻ em bạo lực gồm: súng, gươm…); Hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc: 1.538 kg bao bì, 84.495 chiếc, bộ các loại (nhãn mác in tiếng Việt để đóng gói sản phẩm xuất xứ Trung Quốc); Hàng hóa không hiệu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt: 2.067.338 sản phẩm (đồ gia dụng, ấm, chén, bát, đĩa xuất xứ Trung Quốc).

Đoàn kiểm tra còn phát hiện DN kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá theo quy định; kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy đăng ký kinh doanh; hàng hóa lắp ráp, sản xuất thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy mà không thực hiện chứng nhận hợp quy (356 sản phẩm gồm loa, linh kiện điện tử xuất xứ Trung Quốc); hàng hóa không thể hiện xuất xứ hàng hóa trên thùng hàng và trên sản phẩm, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, còn trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu đính kèm hóa đơn giá trị gia tăng có thể hiện xuất xứ Trung Quốc (1.972 sản phẩm ấm, chén, bát, đĩa, tô, sành sứ của Trung Quốc).

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp tham gia kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh - cho biết, đây là vụ việc phức tạp, với khối lượng hàng hóa lớn, hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để xác định sai phạm và xử lý theo quy đinh của pháp luật.

Hoàng Oanh