Liệu HongMeng OS có thể giúp Huawei đứng vững trong tình hình hiện tại?

(SHTT) - Trước lệnh cấm vận của Mỹ đối với Huawei, công ty này vẫn tỏ ra khá lạc quan và bình tĩnh do đã chuẩn bị trước "kế hoạch B" - HongMeng OS để sẵn sàng đối phó với diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng, liệu kế hoạch B có đủ để giúp Huawei trụ vững?

Sau khi bị chính quyền ông Trump đưa vào danh sách đen thương mại, ngày 20/5, Huawei lập tức bị Google rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Android.

Theo phát biểu của đại diện hãng này, để đối phó với diễn biến có thể đoán trướ này, Huawei đã sớm chuẩn bị một đường lui với việc phát triển một hệ điều hành riêng có tên HongMeng OS. Tờ Global Times. cho biết, đây cũng chính là "kế hoạch B" mà ông Richard Yu - người đứng đầu tập đoàn Huawei từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn với Die Welt - một trang tin tiếng Đức đầu tháng 3/2019. 

HongMeng OS đã được phát triển trong 7 năm, kể từ năm 2012, theo HuaweiCentral. Tuy nhiên, xây dựng một hệ điều hành riêng trong bối cảnh iOS và Android đã quá phổ biến là bài toán không dễ có lời giải.

 Phần mềm riêng do Huawei phát triển trong suốt 7 năm qua.

Điều này được chính Wang Chenglu, Chủ tịch mảng kỹ thuật phần mềm của Huawei nói với truyền thông Trung Quốc vào tháng 9/2018. "Tự xây dựng một hệ điều hành mới không khó nhưng vấn đề nằm ở hệ sinh thái và hỗ trợ ứng dụng cũng như các lập trình viên", Chenglu lý giải. 

Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ lâu, nhưng HongMeng OS liệu có thể giúp Huawei "sống tốt"?

Lược lại lịch sử các hệ điều hành riêng của một vài tên tuổi lớn trên thế giới, có thể thấy sự thất bại của Windows Phone, do Microsoft phát triển, là một chuỗi vòng quanh không lối thoát. Hệ điều hành này có thị phần thấp khiến các nhà phát triển ứng dụng không có hứng thú dành thời gian và công sức để phát triển, đó cũng chính là lý do khiến cho các ứng dụng trên Windows Phone trở nên nghèo nàn và không thu hút được người dùng. 

Samsung cũng từng thử sức mình vào năm 2015 với việc ra mắt hệ điều hành mới mang tên Tizen. Tizen sau đó cũng nhanh chóng đi vào vế xe đổ trước đó của Samsung khi không thể vượt qua được cái bóng của Android. 

Không có Google Play, Huawei sẽ khó có thể giữ chân được các khách hàng quốc tế. 

Thông qua hai dẫn chứng trên, những diễn biến đó rất có thể sẽ là tương lai của HongMeng OS ở thị trường quốc tế. Chỉ nói tới thị trường quốc tế bởi vì với người dùng Trung Quốc, lệnh cấm của Google không có các tác động đáng kể. Họ đã quen với việc sử dụng hệ điều hành Android mà không có Google Play cũng như hàng loạt dịch vụ khác của Google do có các ứng dụng tương đương khác trong nước.

Tuy nhiên, đối với các thị trường nước ngoài, việc không có Google hay Youtube sẽ là vấn đề lớn. Việc này rất có thể sẽ sớm biến các sản phẩm công nghệ Huawei trở thành các mặt hàng nội địa chân chính do không chiếm được sự tín nhiệm của người dùng tại thị trường nước ngoài dù cho Mỹ hiện đang nới lỏng lệnh trừng phạt trong 90 ngày nhưng con số này dường như cũng không thể giúp con cưng của Trung Quốc làm nên kỳ tích.

Nam An