Trung Quốc phát triển công nghệ khử mặn nước biển đơn giản, hiệu quả, dễ ứng dụng

(SHTT) - Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã phát triển công nghệ khử mặn mới hiệu quả với các vật liệu đơn giản từ rơm và năng lượng Mặt Trời để sản xuất nước sạch.

Các nhà khoa học thuộc Viện Cơ khí và Công nghệ Vật liệu thành phố Ninh Ba phối hợp với Viện Khoa học Trung Quốc đã phát triển một thiết bị tạo hơi nước bằng rơm thải sử dụng năng lượng Mặt Trời. Việc tạo hơi nước bằng năng lượng Mặt trời được coi là chiến lược đầy hứa hẹn cho việc lọc nước thải và khử mặn nước biển. 

Thiết bị này gồm một màng ảnh nhiệt và các máy bơm nước. Phần lá của cọng rơm được đốt thành than và được cô lại bằng xenlulô vi khuẩn để hoạt động với vai trò là một màng ảnh nhiệt, còn phần dưới thân cọng rơm được dùng vào làm máy bơm nước.

Thiết bị này vào những ngày nắng có thể lọc được 6,4-7,9 kg/m3 nước mỗi ngày, còn vào những ngày nhiều mây, lượng nước lọc được ở vào khoảng 4,6-5,6 kg/m3 nước mỗi ngày.

Ngoài việc khử mặn nước biển, thiết bị có thể được dùng vào việc chiết nước sạch từ các vùng đầm lầy. 

 

Trước đó, các kỹ sư của Đại học Bách khoa Torino (Ý) cũng đã thử nghiệm phương pháp tận dụng năng lượng mặt trời để lọc nước ngọt từ nước biển. 

Nguyên lý vận hành rất đơn giản, bắt chước nguyên lý cây đưa nước từ rễ lên lá qua hiện tượng mao dẫn và thoát hơi nước. Thiết bị nổi lấy nước biển được làm bằng xốp. Nước biển nóng lên nhờ năng lượng mặt trời sẽ giúp tách muối khỏi nước biển.

Với lượng năng lượng mặt trời cố định, công nghệ mới có thể sản xuất lượng nước gấp đôi.

Công nghệ khử mặn thông thường cần các linh kiện cơ hoặc điện đắt tiền như ống bơm, hệ thống điều khiển và kỹ thuật viên lắp ráp, bảo trì. Công nghệ mới dựa trên quá trình tự phát và không cần máy móc trợ giúp.

Năng suất đạt được tối thiểu 20 lít nước uống mỗi ngày trên 1m2 tiếp xúc với ánh nắng. Thiết bị ít tốn kém, dễ lắp đặt, dễ sửa chữa, thích hợp với các địa phương ven biển thường xuyên thiếu nước, thiếu cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư.

Xuân Phong