Sacombank lọt danh sách bị kiểm toán xử lý nợ xấu của Kiểm toán Nhà nước

(SHTT) - Năm 2017, nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được triển khai. Sắp tới kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm tra làm rõ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu tại các nhà băng trong đó có Sacombank - ngân hàng với tỉ lệ nợ xấu còn rất cao.

Nợ xấu tuy giảm nhưng vẫn cao trong ngành ngân hàng

Tại Sacombank, nợ xấu là vấn đề nổi cộm trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu đáng chú ý nhất thời kỳ ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank bị xử lý vì tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đầu tháng 8-2017, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cho biết “nợ xấu tại ngân hàng Sacombank vào khoảng hơn 60.000 tỉ đồng”. Mục tiêu mà ông Minh đưa ra là cuối năm 2017 khi tiếp quản ngân hàng này là xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tuy nhiên sau năm 2017, ngân hàng này chỉ xử lý được hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu. 6 tháng đầu năm 2018, Sacombank đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 3,3% (đầu năm 2017 là 6,68%).

Trong năm 2018, hoạt động xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm của ngân hàng này. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện chỉ còn ở mức 2,11%, giảm mạnh so với mức 4,67% hồi đầu năm.

Sacombank có khối lượng nợ xấu đã bán cho VAMC lớn nhất tính đến hết năm 2016. Ảnh: Quang Thắng. 

Hiện, Sacombank vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC và nợ tiềm ẩn có nguy cơ thành nợ xấu. Lượng nợ xấu tại VAMC ước khoảng 37.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu và lãi dự thu ở mức trên 46.000 tỷ đồng, phản ánh lượng nợ xấu tiềm ẩn vẫn còn rất lớn.

Lọt danh sách bị kiểm toán

Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Dương Công Minh đã đặt mục tiêu thu hồi 90% nợ xấu trong ba năm. Cơ sở để ông Minh đặt ra mục tiêu này có thể là sự kỳ vọng vào Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu mà Quốc hội thông qua.

Nhưng mục tiêu này quá tham vọng bởi tính đến hết năm 2017, nợ xấu nội bảng của Sacombank vẫn là 10.405 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 4,67% tổng dư nợ.

Thực tế Sacombank đang gặp khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan sau sáp nhập do phần lớn tài sản có pháp lý dở dang, chưa hoàn thiện.

Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank. 

Trong 2 năm qua, Sacombank đã “gồng mình” để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng.

Theo đó, Sacombank bán các cụm khu công nghiệp tại Long An (KCN Đức Hòa III, tỉnh Long An) thu về 9.200 tỷ đồng; bán 3 khoản nợ theo giá thị trường cho VAMC với giá trị 2.500 tỷ đồng vào tháng 9/2017; bán dự án Diamond City (tài sản thế chấp cho khoản nợ mà Tập đoàn Hoàn Cầu vay tại Sacombank),...

Việc xử lý nợ xấu ở Sacombank, ngân hàng này đã tiến hành thanh lý, bán tài sản, trong đó ưu tiên thu hồi nợ gốc, riêng về lãi sẽ tiếp tục theo dõi để xử lý theo quy định.

Quyết liệt trong xử lý nợ xấu, tính đến cuối năm 2018, nợ xấu tại Sacombank đã giảm đáng kể, nhưng vẫn thuộc top ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.

Vì vậy, Sankcombank sẽ là một trong số 18 tổ chức tín dụng bị kiểm toán Nhà nước kiểm toán về xử lý nợ xấu trong thời gian tới đây. Thời kỳ được kiểm toán được tính từ 15/8/2017 đến 31/12/2018.  

Hà Phương