Hà Nội là một trong hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á

(SHTT) - Trong báo cáo của tổ chức IQAir AirVisual, Hà Nội và Jakarta là hai thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất tại khu vực Đông Nam Á và có khả năng tình trạng này có thể sẽ còn tệ hơn trong năm 2019.

Ngày 6/3, tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đưa ra dữ liệu mới nhất về tình trạng ô nhiễm bụi (PM2.5) trong Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

 Theo Báo cáo này, tại khu vực Nam Á, có đến 18 thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tại Đông Nam Á, Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Khi chất lượng không khí của Bắc Kinh đang ngày càng tốt hơn, Jakarta có nguy cơ sớm vượt qua thủ đô vốn nổi tiếng về ô nhiễm của Trung Quốc.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động.

Theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng trên thế giới hiện nay là do biến đổi khí hậu, thay đổi điều kiện khí quyển và các đám cháy rừng lớn thường xuyên xảy ra do tình trạng khô nóng, hạn hán diễn ra khắp nơi.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã công khai kết quả khảo sát chất lượng không khí tại 23 thành phố thuộc 4 quốc gia khu vực Đông Nam Á gồm có Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Hà Nội cũng là thành phố có mức độ ô nhiễm cao thứ hai.

Theo dữ liệu này, trong 3 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí ở TP. Hồ Chí Minh có xu hướng xấu dần, dù tốt hơn Hà Nội trong cùng kỳ 3 năm gần đây. Bình quân 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tại thời điểm cuối tháng 9/2019 phải chống chọi với tình trạng ô nhiễm khói bụi đô thị ở mức báo động màu cam (mức độ ô nhiễm cao).

Cảnh báo này cho biết khói bụi đã làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1,24 dặm và độ ẩm tương đối ít hơn 80%, nồng độ bụi trong không khí PM2.5 đạt từ 500-700µg/m³. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh lại chính là địa điểm thành công nhất trong nỗ lực cải thiện mức độ ô nhiễm không khí, theo đánh giá của IQAir AirVisual.

Hình ảnh thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc mù mịt trong khói bụi. 

Tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao vào giờ cao điểm, đặc biệt là các loại bụi nguy hại PM10, bụi PM2.5. WHO đã cảnh báo đó là một trong những rủi ro môi trường nguy hại nhất với sức khỏe của con người, đi thẳng vào nang phổi, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch…

Các biện pháp để xử lý ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội và các thành phố lớn vẫn chưa hiệu quả. Tiến độ di dời những cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô còn chậm. Trong khi đó, dân số Hà Nội vẫn tiếp tục tăng mạnh, số phương tiện giao thông cá nhân tăng cao. Cùng với việc trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020, thì việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án quản lý phương tiện giao thông, phát triển giao thông công cộng. Đây là đề án được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao vì sẽ “chặn” ô nhiễm từ gốc. Song, có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền cũng như nỗ lực của người dân.

Ngân Hạnh