Đâu rồi lương tâm nhà giáo?

(SHTT) - “Nhân cách người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác” …

Trong thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực học đường: Giáo viên bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng; cô giáo lên lớp suốt 3 tháng không giảng bài và gần đây nhất là thầy giáo ở trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi dâm ô trẻ em.

Sáng 17/4 tổ công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm việc với UBND huyện Hoài Đức, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Trường Tiểu học An Thượng A để nắm bắt thông tin về sự việc, cung cấp thông tin chính xác phục vụ công tác điều tra và giải tỏa phần nào sự hoang mang, lo lắng nhằm ổn định tâm lý, tư tưởng của phụ huynh và học sinh.

 

Từ xưa đến nay vai trò của thầy giáo, cô giáo luôn được tôn trọng khi thực hiện vun đắp sự nghiệp trồng người, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý và công tác giáo dục được Đảng và Nhà nước quan tâm, được coi là quốc sách hàng đầu. Lớp lớp các thế hệ nhà giáo đã nỗ lực đào tạo con người tri thức qua từng cấp học, bậc học. Đa số đội ngũ nhà giáo giàu tâm huyết, có đạo đức nghề nghiệp chân chính, giữ gìn tư cách, nhân cách và hình mẫu “mô phạm” của người Thầy, là tấm gương sáng để người học noi theo. Rất đáng tiếc khi xuất hiện đâu đó những biểu hiện tiêu cực, những câu chuyện buồn về sự xuống cấp của đạo đức nhà giáo hay những hành vi làm tổn thương nghiêm trọng đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Có những giáo viên không cưỡng lại được sức mạnh cám dỗ của vật chất, sự tha hóa về đạo đức dẫn tới những hành vi mù quáng. Mặc dù đã được đào tạo về nghiệp vụ trong những ngày còn trên ghế giảng đường nhưng rất nhiều thầy cô giáo sau khi tiếp nhận công tác vẫn yếu về tâm lý, nghiệp vụ sư phạm.

Thiết nghĩ không để “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể để những giá trị chân, thiện, mỹ của các nhà giáo tâm huyết với nghề bị xúc phạm. Để làm được điều đó phải có đổi mới mạnh mẽ và thiết thực của ngành giáo dục, của từng môi trường sư phạm và đọng lại người giáo viên đứng trước học trò phải luôn nghiêm túc, rèn luyện bản thân, tự hoàn thiện để tiếp tục là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.

Phùng Chuyên