Cảnh báo: Bùng phát hoạt động mê tính dị đoan trực tuyến dịp đầu năm

(SHTT) - Lợi dụng tâm lý của người dân, trong thời gian sau Tết Nguyên đán, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok,... có thể thấy sự xuất hiện tràn lan của các sư thầy, thầy bói 'lởm' lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản.

Mê tín dị đoan là khái niệm chỉ việc đặt niềm tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên, không có cơ sở khoa học, như tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép, thỉnh bùa cầu may…

Khi nhiều người dân tin tưởng một cách mù quáng vào vận may rủi, tạo ra nhiều cơ hội cho những đối tượng lợi dụng hình thức tâm linh online trục lợi, lừa đảo, khiến giá trị của tâm linh cũng bị biến tướng theo.

Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok hay các website, hàng loạt các cá nhân giả mạo sư thầy, thầy bói,... xuất hiện tạo một "thị trường tâm linh" phủ đầy trên không gian mạng. Mỗi hội nhóm có thể lên tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia.

Trong đó có nhiều dịch vụ xem bói mất phí hoặc phí tùy tâm, khá linh hoạt với đủ loại hình thức từ xem chỉ tay, xem tử vi, tướng số, tarot,...

Ai có nhu cầu chỉ cần để lại thông tin hoặc nhắn tin riêng, "thầy bói online" có ngay tức thì.

 

Bằng việc lợi dụng tâm lý 'tín' và 'giải tỏa stress' thông qua bói toán, nhiều thầy bói online mọc lên ngày càng nhiều như nấm sau mưa. Đây cũng là miếng bánh béo bở khi nạn nhân đều 'tự nguyện' trở thành nạn nhân.

Để tránh việc mất tiền oan, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân không nên quá sa đà vào các hình thức bói toán, tâm linh trên các mạng xã hội.

Khi có nhu cầu, người dân nên tìm đến những địa chỉ uy tín, không nên dựa vào các nội dung được lan truyền trên các mạng xã hội để đặt niềm tin.

Bên cạnh đó, người dùng mạng cũng cần tìm hiểu kỹ và xác minh tính chính xác đối với 'sư thầy, thầy bói' online trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội.

Đặc biệt, để tranh 'tiền mất, tật mang' dịp đầu năm, người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác và đề phòng trước những chiêu trò lừa đảo trực tuyến.

Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin CCCD, tài khoản ngân hàng ... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.

 

Các cơ quan địa phương cũng được Cục yêu cầu tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng ngành tuyên giáo, thông tin và truyền thông ... cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an cùng cấp, thống nhất các nội dung thông tin tuyên truyền trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao hơn nữa nhân thức, hiểu biết và tinh thần cảnh giác của nhân dân. Cùng với đó, cần điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng lừa đảo để tạo sự răn đe.

Khánh An