Xin chữ đầu năm: Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

(SHTT) - Xin chữ là một phong tục truyền thống, một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc. Ngày đầu năm mới, nhiều người tới Văn Miếu xin chữ để cầu tài lộc, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đến xin chữ với mong muốn học hành tốt, thành công, đỗ đạt.

Ngày xuân, đối với người Việt, là ngày khởi đầu của năm mới, cũng là khởi đầu của mọi sự mới. Vào những ngày này, mọi người đều mong muốn gia đình, bản thân có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn.

 

Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.

Theo quan niệm xưa, gia chủ xin được chữ thư pháp là đã xin được may mắn, những điều tốt lành, tài lộc cho cả năm. Đa phần trong những ngày đầu năm người ta thường xin những chữ ý nghĩa về bình an, hạnh phúc, tài lộc,... Mỗi chữ được viết dưới đôi tay của ông đồ không chỉ đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn thể hiện tấm lòng, tâm hồn và sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chữ sẽ được viết trên nền giấy đỏ hoặc vàng bởi quan niệm phong thủy phương Đông cho rằng màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng, phú quý, sẽ mang lại nhiều tài lộc, may mắn, bình an trong năm mới.

 

Mùng 1 Tết, rất đông người dân đã có mặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Tại khu vực Văn Miếu, ban tổ chức bố trí bàn viết chữ cho các ông đồ khách mời. Đây là dịp hiếm hoi trong năm mà các ông đồ “múa bút” không ngơi tay. Tại khu vực này, các du khách cũng được trải nghiệm in mộc bản với mức giá 200.000 đồng/lần.

Phạm Tuấn