Ấn tượng với nghi lễ dựng cây nêu, thả cá chép tại Hoàng thành Thăng Long

(SHTT) - Ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp ),Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức các nghi lễ dâng hương, thả cá chép trên dòng sông cổ, dựng cây nêu để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

 Tết Nguyên đán xưa bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới. Trong Hoàng cung Thăng Long xưa, vào dịp Tết đến, Xuân về, những nghi lễ được tổ chức tôn nghiêm, trang trọng thể hiện sự hưng thịnh của quốc gia, sự bình an, no ấm cho nhân dân.

Nhà Vua là người đầu tiên thực hiện nhằm báo hiệu năm mới đến, sau đó người dân, quan lại mới được thực hiện tại dinh phủ và nhà mình.

 

Mừng năm mới Giáp Thìn, tại điện Kính Thiên, thuộc di tích Hoàng thành Thăng Long, đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội đã cùng Ban Tổ chức đã làm lễ cúng Táo quân. Sau thực hành nghi thức cúng Táo quân, đoàn nghi lễ đã cùng chủ tế đưa cá chép sang dòng sông cổ, được phát hiện trong thời gian khai quật khảo cổ ở Hoàng thành để phóng sinh.

Phong tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Sau khi làm lễ tại Điện Kính Thiên, cá chép được đưa đi thả. Theo truyền thống, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa. 

 

Một trong những nghi lễ quan trọng được mọi người chờ đợi nhất là dựng cây nêu tại không gian trước Đoan Môn. Trong thời kỳ phong kiến, đích thân nhà vua, hoặc một vị quan có phẩm hàm cao được giao nhiệm vụ này.

Sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long phục dựng thành công nghi lễ này. Tre được chọn dựng cây nêu là cây tre đực, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Ngọn cây được treo một chiếc phướn dài. Trên ngọn còn có một vòng tròn nhỏ, được treo những chiếc khánh đất, hay linh vật, để khi gió thổi, va đập nhau kêu leng keng trong gió với ý nghĩa trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

 

Phạm Tuấn