Nhiều tài liệu quý sẽ được trưng bày tại triển lãm 'Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ'

(SHTT) - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thông báo sẽ tổ chức triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ”, giới thiệu hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo tiêu biểu có sự tham gia của Việt Nam, trong đó nhiều tài liệu lần đầu công bố rộng rãi.

"Đấu xảo" là một từ Hán-Việt, có thể hiểu là ‘hội thi đấu về sự tinh xảo’. Đây là hoạt động hội chợ, triển lãm xưa kia được tổ chức để giới thiệu và quảng bá các tác phẩm, sản phẩm hàng hóa để từ đó tạo cơ hội cho thị trường, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Các hoạt động này dưới nhiều hình thức đã xuất hiện từ xa xưa trên thế giới.

Ở Việt Nam, đấu xảo trong nước được tổ chức chủ yếu để giới thiệu và trao đổi hàng hoá. Đặc biệt, hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn tại Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành trong cả nước thời kì Pháp thuộc. Hội đấu xảo mang tính quốc tế đặc biệt nở rộ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu vào cuối thế kỉ 19. Hội đấu xảo thuộc địa hay đấu xảo quốc tế diễn ra tại các thành phố lớn của Pháp, Bỉ hay Mỹ đều có sự tham gia của Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

 

Triển lãm Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ phác họa không gian các hội đấu xảo quan trọng trong nước và quốc tế từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX qua hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo tiêu biểu có sự tham gia của Việt Nam. Triển lãm gồm 2 phần: Hội Đấu xảo Hà Nội và Đem chuông đi đánh xứ người.

Trong đó, Phần 1 - Hội Đấu xảo Hà Nội giới thiệu tài liệu, hình ảnh về một số hội đấu xảo tiêu biểu được tổ chức tại Hà Nội. 

Phần 2 - Đem chuông đi đánh xứ người giới thiệu tài liệu, hình ảnh về các hội đấu xảo thuộc địa và đấu xảo thế giới tiêu biểu có sự tham gia của các nước Đông Dương, đặc biệt tại Pháp.

Thông qua Triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu cho đông đảo công chúng nguồn tài liệu lưu trữ phong phú và có giá trị về Việt Nam xưa qua hoạt động đấu xảo, đồng thời tạo nên một không gian khám phá di sản kí ức cho xã hội.

Phạm Tuấn