Lương hưu của lao động nữ giảm bao nhiêu từ ngày 1/1/2018?

(SHTT) - Dự kiến khoảng 2000 lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1 tới bị ảnh hưởng nặng nhất với cách tính nói trên, tức là lương hưu sẽ thấp hơn 8-10% so với người nghỉ hưu từ 31/12/2017 trở về trước.

Lương hưu của lao động nữ giảm bao nhiêu từ ngày 1/1/2018? 

Được biết, từ ngày 1/1/2018 trở đi, Luật BHXH 2014 quy định cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu như sau: Đủ 15 năm đóng BHXH bằng 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2% và tối đa không quá 75%.

Vì vậy, để đạt tỷ lệ 75% lương hưu thì lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH (nghỉ hưu trước năm 2018 thì lao động nữ có đủ 25 năm đóng BHXH được hưởng tỷ lệ 75%), những lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức 75%.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 26/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này và Bộ Lao động, thương binh và xã hội đều đã trình Chính phủ đề nghị tạm hoãn thực hiện cách tính lương hưu mới áp dụng từ 1/1/2018 đối với lao động nữ.

Nhưng đến thời điểm này chưa có quyết định cuối cùng về cách tính lương hưu mới, nên từ 1/1/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và tính lương hưu theo cách mới cho lao động nữ nghỉ hưu từ thời điểm này.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến khoảng 2000 lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1 tới bị ảnh hưởng nặng nhất với cách tính nói trên, tức là lương hưu sẽ thấp hơn 8-10% so với người nghỉ hưu từ 31/12/2017 trở về trước.

Theo Vietnam +, tại buổi tọa đàm Toạ đàm "Đóng và xử lý vi phạm về BHXH từ năm 2018 như thế nào?" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã "hiến kế" để hỗ trợ LĐN giảm lương hưu khi về hưu từ năm 2018.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nếu căn cứ theo tờ trình của Chính phủ thì phải chờ đến tháng 5-2019 Quốc hội họp mới cho ý kiến và thông qua nên cần phương án hỗ trợ cho LĐN ngay từ 1/1/2018.

Theo báo cáo, có khoảng 21.000 LĐN sẽ bị ảnh hưởng bởi cách tính lương hưu mới. Nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, chỉ có 3.000 người chịu tác động từ 6-10%, còn lại chịu tác động 2-4% thì mức giảm này tương đương với lộ trình của nam giới. Vậy thì tổng số 3.000 người này có lớn không và có cần thiết phải sửa luật hay không?

"Quan điểm của tôi là không nên sửa luật. Nhưng tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh bằng cách khi điều chỉnh tăng lương hưu từ 1-1-2018 tăng lên 7% thì không nên tăng cho tất cả những người về hưu mà ưu tiên hỗ trợ cho nhóm đối tượng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng, đặc biệt là 3.000 LĐN bị giảm 6-10% lương hưu có thể tăng 1-2%"- ông Lợi nhấn mạnh.

PV (t/h)