TP.HCM: Chỉ xuất hiện đơn lẻ một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn

Việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh hiện nay tại TP.HCM còn nhiều thách thức, chỉ xuất hiện đơn lẻ một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn.

Ngày 26/12, tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM".

Theo ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn hiện đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu tất yếu cần thực hiện các hiệp định, thỏa thuận quốc tế,… thì kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh - tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường. 

Trong giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh và bền vững, giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, TP.HCM định hướng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Minh cũng nhận định việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh hiện nay vẫn là một thách thức lớn. Hiện nay, TP.HCM cũng chỉ xuất hiện đơn lẻ một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn, điển hình như: Mô hình 3R và quỹ tái chế chất thải, chương trình giảm ô nhiễm môi trường, sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Thế Hào - Đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Thuận Thiên - cho biết về kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp quan tâm các vấn đề như: Đơn vị nào được coi là đầu mối về vấn đề tư vấn; đơn vị nào được coi là đầu mối quản lý những chính sách hỗ trợ của TP.HCM về kinh tế tuần hoàn.

Ông Hào cho biết hiện công ty nỗ lực tạo ra những sản phẩm liên quan trực tiếp đến kinh tế tuần hoàn nhưng việc tiếp cận được quỹ hỗ trợ gần như không thể. "Sản phẩm của chúng tôi được công ty nước ngoài đánh giá cao và đồng ý hỗ trợ nhưng việc tiếp cận nguồn quỹ để đưa về Việt Nam là bế tắc", ông Hào nói.

  PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), ĐHQG TP.HCM.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), ĐHQG TP.HCM - đưa ra một số giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo tuần hoàn ở Việt Nam. Chẳng hạn, mô hình phòng thí nghiệm sống (Living lab – LVL) đang là một giải pháp dự kiến triển khai thí điểm tại ĐHQG TP.HCM.

Theo đó, mô hình LVL sẽ góp phần vào hiện thực hóa các mục tiêu của ĐHQG TP.HCM trong việc gắn kết sức mạnh hệ thống, xây dựng một khu đô thị đại học xanh, trung hòa carbon. Đồng thời, đây cũng là nơi hợp tác, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ, đóng góp chính sách phục vụ phát triển bền vững trên nền tảng khoa học liên ngành, phối hợp giữa các bên có liên quan.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng đưa ra một số nhóm giải pháp mà TP.HCM có thể vận dụng như: Tạo các động lực, thị trường mới nhằm thúc đẩy khởi nghiệp xanh; xây dựng chính sách phát triển thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, thu hút các quỹ đầu tư quốc tế đầu tư về Việt Nam; xây dựng chính sách tạo các thị trường mới cho sản phẩm, dịch vụ và quy trình xanh,…

Bình Tú