Walt Disney 'ngập ngừng' vào Việt Nam vì vấn đề bản quyền

(SHTT) - Tại Việt Nam, xâm phạm bản quyền điện ảnh trên không gian mạng đang trở thành vấn nạn, không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu của điện ảnh nội địa mà còn làm hẹp lại cánh cửa hợp tác với quốc tế.

 Tại hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - khẳng định: "Việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia".

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trên thực tế, xâm phạm bản quyền điện ảnh trên không gian mạng đang trở thành vấn nạn, không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu của điện ảnh nội địa mà còn làm hẹp lại cánh cửa hợp tác với quốc tế.

Thực tế, từ khi có Internet việc vi phạm bản quyền diễn ra mọi nơi có kết nối và ngày càng khó ngăn chặn.

Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL 

Các kênh chính thống đầu tư mua bản quyền và chuẩn bị nội dung nhưng nhanh chóng bị 'ăn cắp'. Sau đó, các đơn vị vi phạm che logo của nhà đài và phát lại. Phim vừa phát sóng hay chiếu rạp cũng dễ dàng bị vi phạm bản quyền đưa lên không gian mạng. Nhiều bộ phim vừa khai thác ngoài rạp đã bị cắt ghép nội dung và tóm tắt trong các mục review phim, hút lượng người xem lớn, ảnh hưởng đến các rạp cũng như nhà sản xuất.

Bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh cũng khẳng định "Ở Việt Nam, ý thức bản quyền chưa cao". Trong khi đó, tới nay cũng mới chỉ có một vụ việc vi phạm bản quyền liên quan đến lĩnh vực phim ảnh bị khởi tố hình sự là trường hợp vi phạm của phimmoi.net. Tuy nhiên, hiện vụ việc hiếm hoi này cũng chưa được xét xử nên không biết mức độ xử lý như thế nào.

Và bà cũng nhấn mạnh: "Chính hiện trạng vi phạm bản quyền đó khiến "ông lớn" Walt Disney rụt rè, ngập ngừng chưa muốn vào. Đó là lý do tới giờ vẫn chưa có đại diện của hãng này tại nước ta".

Bà Phạm Thị Kim Oanh - phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - chỉ ra vấn đề bản quyền trong lĩnh vực phim ảnh bị đặt vào tình trạng thách thức hơn trên không gian mạng.

"Với hàng triệu người đang sử dụng Internet và hàng triệu trang web như hiện nay, việc kiểm soát tất cả nội dung đăng tải trên mạng để đảm bảo cho việc bảo hộ quyền tác giả vô cùng khó khăn", lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả nói.

Bà Oanh liệt kê một số hành vi xâm phạm bản quyền phổ biến hiện nay: phim chiếu rạp bị khán giả livestream trên mạng, phim chiếu trên truyền hình bị ghi lại bằng nhiều cách và phát tán trên mạng…

Dù chúng ta có hệ thống pháp luật đi kèm để bảo hộ, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh dưới dạng các bản sao chép không được phép vẫn còn xảy ra, đặc biệt trên Internet.

Hà Vân