Ninh Bình: Triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình hiện đã triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Ngày 14/11/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 641/KH-QLTTNB cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.

 

Các Đội Quản lý thị trường địa bàn tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm như: sữa chế biến, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại...; đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Đội Quản lý thị trường Cơ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hoá, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, làng nghề, các tuyến đường bộ, đường sắt... xác định rõ tuyến, địa bàn trọng điểm, các nơi tập kết, bốc xếp vận chuyển hàng hoá vi phạm. Chủ động nắm bắt địa bàn và tình hình diễn biến thị trường; kịp thời nhận diện các vấn đề mới nổi cộm, phức tạp để xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nhất là các đối tượng/vụ việc vi phạm liên huyện/thành phố, quy mô lớn.

Song song với hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nhân dân. Đồng thời, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thông báo đường dây nóng để nhân dân phát giác các hành vi vi phạm.

Để thị trường hàng hóa trong đợt cuối năm, trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lành mạnh và an toàn, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh, thì người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, có như vậy, công tác quản lý thị trường mới đạt hiệu quả, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. 

PV