Chủ tịch Quốc hội Kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo bước đột phá về thể chế

(SHTT) - Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, về công tác lập pháp, phiên họp sẽ cho ý kiến đối với 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi đã cho ý kiến tại phiên họp thứ 25.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Dự thảo Luật đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp làm việc với TP Hà Nội để cho ý kiến về những định hướng lớn với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

 

“Kỳ vọng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là bước đột phá để tạo ra thể chế, khung khổ cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô theo tinh thần, định hướng lớn trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Chủ tịch Quốc hội

Được biết, TP. Hà Nội hiện đang tiếp thu ý kiến thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023. Dự kiến, việc xây dựng dự án Luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và cho ý kiến xem xét tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.

Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô được xây dựng theo quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.

Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô. Bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Hương Mi