Người Việt đang ở Bali nên nhanh chóng rời đảo càng sớm càng tốt

(SHTT) - Một lần nữa Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã đưa ra mức cảnh báo cao đối với tình hình hoạt động núi lửa Agung, đảo Bali, Indonesia. Theo cảnh báo này, đại sứ quán đã yêu cầu tất cả công dân Việt Nam ở Bali nhanh chóng rời khỏi đây.

Núi lửa phun trào ở Agung, Bali, Indonesia.

Tiếp theo thông báo ngày 27/11/2017, ngày 28/11/2017, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã đăng tải thêm một cảnh báo mới về tình hình tại vùng đảo du lịch Bali. Trong cảnh báo mới này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia yêu cầu tất cả công dân Việt Nam nhanh chóng tìm mọi cách rời khỏi đảo Bali để tránh tình hình xấu đi.

Bản báo cáo viết: “ĐSQ xin cảnh báo một lần nữa tình hình hoạt động của núi lửa Agung, Bali đã và đang diễn biến phức tạp, các nhà khoa học đang đưa ra dự báo không tốt. Nhà chức trách Indonesia đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn. Do đó, sân bay Ngurah Rai, Bali khó có thể sớm hoạt động trở lại.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia một lần nữa gửi cảnh báo đến các du khách Việt Nam đang bị kẹt tại sân bay Ngurah Rai do các hãng hàng không hủy chuyến bay cần khẩn trương tìm cách rời khỏi Bali càng sớm càng tốt”.

Theo thông tin từ chính phủ Indonesia, chính quyền đảo Bali hỗ trợ miễn phí khách sạn một đêm cho du khách bị kẹt tại đây. Để rời khỏi Bali hiện nay có thể đi xe buýt từ sân bay Ngurah Rai đến sân bay Juanda, Surabaya (với giá thông báo là 300.000 Rupiah – tương đương 500.000 vnđ), sau đó từ đây bay đến các nơi khác.

Các rường hợp cần hỗ trợ thông tin liên hệ với Đại sứ quán qua đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia:

Anh Nguyễn Thanh Giang +62811161025 hoặc trường hợp cần hỗ trợ cách rời khỏi Bali, liên hệ Hướng dẫn viên Du lịch địa phương Pak Nyoman +6285792640918, +6281338643014

hoặc Thông tin tại sân bay: Gunung Agung Volcano Crisis Center: 081321100319; Hotline: 0361 935 1011 ext 5055.

Núi lửa Agung bắt đầu phun khói từ ngày 25/11/2017, cho đến nay, cột khói này vẫn không ngừng phụt lên, báo hiệu cơn thức giấc đầy giận dữ của ngọn núi lửa ngủ im suốt 54 năm (lần phun gần nhất của nó là vào năm 1963, khiến khoảng 1.100 người chết, rất nhiều ngôi làng bị phá hủy).

Trước đó, vào đầu tháng 10/2017, NDMA cho biết, núi lửa Agung đang trong tình trạng nghiêm trọng, nham thạch đang bị dồn nén, miệng núi lửa ngày càng nóng dần lên, báo hiệu một trận phun trào mạnh mẽ.

Thế Hoàn