Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp trong 8 tháng đầu năm

(SHTT) - trong 8 tháng đầu năm, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là các mặt hàng như lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng.

Tại buổi làm việc về tình hình cung ứng hàng hóa giữa Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT và Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, thời gian qua, trước nhiều ảnh hưởng của kinh tế, chính trị thế giới với nhiều biến động, hậu quả của đại dịch… đã tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội Việt Nam và hoạt động thực thi công vụ của lực lượng QLTT. Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng,… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng.

Theo lãnh đạo Tổng cục, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Cũng trong 8 tháng, các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp, nhất là dịp Lễ, Tết. Điển hình như: vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm ở Hà Nội; cơ sở lưu giữ, bảo quản hơn 53 tấn chân giò hết hạn sử dụng tại Hà Nội; vụ việc 7 tấn lòng lợn đã hư hỏng tại Bắc Ninh; 10 tấn thịt trâu không rõ nguồn gốc ở Lạng Sơn; 4 tấn thực phẩm không đảm bảo chất lượng tại Thái Nguyên; hàng trăm lít rượu không rõ nguồn gốc tại Hà Nội; gần 10 tấn chân gà, nội tạng động vật không đảm bảo chất lượng tại Bắc Giang...

 

Đối với mặt hàng xăng dầu, lực lượng QLTT kiểm tra, giám sát toàn bộ các cửa hàng xăng dầu trên cả nước, qua đó góp phần đảm bảo nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Thông qua thanh tra, kiểm tra lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều sai phạm, như: vụ việc 15.000 lít xăng không đảm bảo chất lượng tại Bình Dương; vụ việc chuyển cơ quan Công an điều tra dấu hiệu về tội lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính trong kinh doanh xăng dầu tại Thạch Thất, Hà Nội...

Trong 8 tháng năm, QLTT đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp NSNN trên 344 tỷ đồng (tăng 59%). Chuyển Cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); Trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; Trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, lực lượng QLTT vẫn còn nhiều hạn chế trong tổ chức và hoạt động. Điển hình là tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn phổ biến; công tác thanh kiểm tra còn chưa sâu sát, áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe; công tác quản lý, giáo dục cán bộ ở nhiều đơn vị cơ sở chưa tốt...

Vì vậy trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương để thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy chế phối hợp, chương trình hợp tác với Văn phòng Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, làm lành mạnh hóa thị trường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của Ngành, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác.

Hà Anh