Mitsubishi nối dài chuỗi khủng hoảng của doanh nghiệp Nhật

Mitsubishi Materials vừa thừa nhận làm giả số liệu nhiều sản phẩm, trong đó có cả linh kiện dùng trong ôtô và máy bay suốt hơn một năm qua.

Ít nhất hai chi nhánh của công ty này đã làm giả số liệu sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, Mitsubishi Materials cho biết.

Mitsubishi Cable Industries đã bóp méo số liệu loại sealant cao su dùng trong ôtô và máy bay. Số liệu bị làm giả trên khoảng 270 triệu sản phẩm được bán ra giai đoạn tháng 4/2015 - 9/2017, cho 229 khách hàng.   

Mitsubishi Shindoh thì làm giả số liệu kim loại, ít nhất trong một năm qua, trong đó có các linh kiện bằng đồng dùng trong ôtô và các ngành điện tử tiêu dùng. Ít nhất 29 công ty được cho là đã mua số linh kiện này.

Mitsubishi Materials là cái tên mới nhất vướng scandal. Ảnh: Nikkei 

“Hiện tại, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến vấn đề về an toàn tại cả 2 chi nhánh”, Mitsubishi Materials cho biết. Giới phân tích hiện chưa ước tính được thiệt hại tài chính từ việc này.

Các công ty Nhật Bản từng khiến cả thế giới ghen tị vì sức mạnh sản xuất. Tuy nhiên, gần đây, họ liên tiếp vướng phải scandal về chất lượng sản phẩm.

Một tháng trước, Kobel Steel thừa nhận làm giả số liệu hàng hóa bán cho các khách hàng lớn như Boeing hay Toyota. Việc này đã khiến cổ phiếu của hãng mất giá hơn 40%.

Mitsubishi thậm chí là một trong các công ty bị ảnh hưởng từ scandal này, do có dùng linh kiện của Kobe Steel trong máy bay. Hai công ty còn có một liên doanh sản xuất ống đồng.

Ngay sau sự việc của Kobe Steel, các hãng xe hàng đầu Nhật Bản - Nissan và Subaru cũng thừa nhận đã cho phép nhân viên không đủ thẩm quyền chứng nhận chất lượng xe. Họ đã phải thu hồi hàng nghìn sản phẩm.

Takata cũng phải thu hồi hàng triệu xe trên toàn cầu, sau đó tuyên bố phá sản hồi tháng 6, do cuộc khủng hoảng lỗi túi khí lớn nhất lịch sử. Còn Toshiba vẫn chưa thể gượng dậy sau scandal gian lận kế toán và rắc rối quanh mảng điện hạt nhân.

Theo VnEconomy