Chiêu trò lừa đảo "ngoạn mục" dịp Black Friday

(SHTT) - Black Friday là cơ hội mua sắm nhiều mặt hàng giá rẻ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau chúng cũng tiềm ẩn những nguy cơ lừa đảo "tinh vi" và dưới đây là một ví dụ.

 Mới đây trên trang The Sun, một người phụ nữ sinh sống tại bang Wisconsin, Mỹ đã kể về hành trình cô bị lừa đảo "ngoạn mục" khi mua một chiếc iPhone giá rẻ.

Cô nói rằng thấy một người đàn ông lái chiếc xe tải màu đen, trang trí bóng bay kèm theo tấm bảng "Giảm giá cho Thứ sáu đen tối". "Anh ta bán mọi thứ trên đó, từ quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách, đĩa CD đến điện thoại, máy tính xách tay... gần như tất cả đều có", người phụ nữ kể lại. "Tôi hỏi chiếc iPhone 6 và được biết nó được giảm giá còn 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng)".

Chiêu trò lừa đảo "ngoạn mục" dịp Black Friday 

Người bán hàng đưa cho tôi chiếc iPhone, tôi ngắm nghía và kiểm tra. Thậm chí tôi thực hiện nghe và gọi bằng chiếc iPhone này, nó hoạt động bình thường. Tôi đồng ý mua nó", người phụ nữ này kể lại.

Sau đó người bán hàng quay lưng lại, cho chiếc iPhone vào vào hộp rồi đưa cho người phụ nữ này. Không mảy may suy nghĩ, người phụ nữ này trả tiền, cầm chiếc iPhone về nhà với ý nghĩ hôm nay đã mua được một món hời.

"Tuy nhiên, khi về đến nhà và mở chiếc hộp này ra, tôi đã choáng váng khi trong hộp không phải là chiếc iPhone 6, thay vào đó là 11 miếng khoai tây".

Trong video chia sẻ trên mạng, cô gái tỏ ra rất tức giận khi bị lừa mua phải chiếc hộp chứa chục miếng khoai tây với giá 100 USD. Thậm chí sạc điện thoại trong chiếc hộp tưởng là đựng iPhone 6 cũng là dành cho máy Android.

Tổng hợp những chiêu trò lừa đảo dịp Black Friday

Tráo hàng

Tráo hàng là một hình thức khá phổ biến bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn cho một sản phẩm nào đó rồi thông báo hết hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ liên hệ với khách hàng để xin lỗi và đưa ra một sản phẩm mà họ cho rằng ngon bổ rẻ hơn sản phẩm khách hàng đặt mua.

Người dùng nên thận trọng với những lời chào mời này để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Xâm nhập mã độc vào email khách hàng

Nhiều hacker sử dụng hình thức gửi email tới khách hàng với các thông điệp dụ dỗ mua sắm với giá rẻ. Chỉ cần nhấn thử vào các liên kết, người dùng sẽ được đưa tới các website giả mạo hoặc bị âm thầm cài mã độc. 

Nhắn tin, gọi điện lừa đảo tới người mua hàng

Kẻ gian thường lấy tên của các thương hiệu lớn và đưa ra các giao dịch dường như quá tốt để có thể từ chối. Nhiều người sẵn sàng bấm vào các đường link mua sắm ngay lập tức khi thấy mức các quảng cáo giảm giá mà không chú ý tới việc kiểm tra lại tính xác thực của nguồn tin.

Khai thác lỗ hổng từ thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng có liên kết bảo mật yếu nhất hiện nay bởi nhiều người dùng rất thiếu thông tin về các biện pháp bảo mật cũng như không thực hiện chúng khi sử dụng để bảo vệ cho chính tài khoản của mình. Một khi các hacker có dữ liệu của thẻ tín dụng, mã PIN hoặc mật khẩu, tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm.

Thu thập thông tin cá nhân bất chính

Vào mùa giảm giá Black Friday, các cửa hàng thường “tặng quà” tri ân khách hàng và người dùng chỉ cần điền một vài thông tin cá nhân để tham gia. 

Tội phạm công nghệ sẽ lợi dụng lòng tham và sự cả tin này. Phần thưởng sẽ có giá trị cao như là iPhone, MacBook để làm mờ mắt khách hàng. Đây chính là miếng mồi ngon cho tội phạm công nghệ. Vì vậy người dùng luôn luôn ghi nhớ không được cung cấp thông tin cá nhân cho những website không uy tín.

Nâng giá cao rồi “giảm giá”

Đây cũng là một chiêu trò khá phổ biến của các cửa hàng và website bán lẻ. Họ sẽ nâng giá niêm yết của sản phẩm lên rất cao rồi đưa ra mức giảm giá vô cùng hấp dẫn đôi khi đến 5-60%. Thực tế, mức giá sau khi giảm “sâu” mới bằng giá bán ra của nhiều nhà bán lẻ khác. Đây là một cách đánh vào tâm lý thích giảm giá của người dùng.

Tuy đây không hẳn là lừa đảo và không gây thiệt hại về kinh tế cho người mua, nó cũng không phải là một cách bán hàng thật thà. Dù là mùa giảm giá, hãy luôn khảo giá một vòng quanh các site uy tín trước khi đặt mua một sản phẩm nào.

PV (t/h)