Cách sơ cứu người bị rắn lục đuôi đỏ cắn

hời gian vừa qua, nhiều người dân tại các tỉnh miền trung, miền nam bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay, chân, chủ yếu trong quá trình lao động. Ngày 12-12, Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho người bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Theo Cục Khám chữa bệnh, người bị rắn lục đuôi đỏ cắn sưng nề nhanh, đau nhức nhiều kèm theo tại chỗ cắn máu chảy liên tục không tự cầm. Sau khoảng 6 giờ phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ. Có thể có bọng nước, xuất huyết trong bọng nước hoặc có thể nhiễm khuẩn tại chỗ, hội chứng khoang.

Lúc này, người bệnh chóng mặt, có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu: tụt huyết áp, da đầu chi lạnh ẩm, lơ mơ, thiểu niệu, vô niệu. Có thể có sốc phản vệ do nọc rắn, suy thận cấp.

Bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn cần được sơ cứu thích hợp, vận chuyển nhanh chóng và an toàn tới các khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc. Khi sơ cứu, cần trấn an và giảm lo lắng cho bệnh nhân; nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc, rửa vết thương. Nên băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, không garô (cột thắt đoạn trên của chân tay với quan niệm hạn chế độc chạy về tim) động mạch. Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp.

Các bệnh nhân có chảy máu hoặc có xét nghiệm đông máu 20 phút tại giường dương tính phải được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục hoặc truyền máu và các chế phẩm máu.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà, trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn có thể và nên áp dụng nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mắc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.