Nho Ninh Thuận: Cần gia tăng giá trị lẫn diện tích

Để đưa nho trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, cần thực hiện đồng thời cả việc nâng giá trị cây nho lẫn mở rộng diện tích trồng nho tại Ninh Thuận.

Chiều 16/6, tại Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức chương trình hội thảo "Phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho tỉnh Ninh Thuận". Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.

Cần gia tăng diện tích trồng nho

Năm 2022 diện tích trồng nho trên địa bàn toàn tỉnh hơn 1.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 1.000 ha, năng suất đạt 256,8 tạ/ha, sản lượng đạt 25.705 tấn. Tuy nhiên, con số này được cho là nhỏ và cần được gia tăng về diện tích trồng trong thời gian tới.

  Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang định hướng thay đổi mục tiêu ưu tiên trong nông nghiệp, chuyển từ sản lượng sang giá trị. Tuy nhiên đối với với cây nho Ninh Thuận, bên cạnh mục tiêu giá trị vẫn cần tăng sản lượng. Về diện tích, trong lịch sử cây nho Ninh Thuận có lúc lên đến 2.000 ha, hiện Ninh Thuận đang phấn đấu đến 2030 lên đến 1.700 ha. Vì vậy, cần tính toán để phát triển tối đa là bao nhiêu, điều này rất quan trọng.

"Phải tăng diện tích và tăng sản lượng, nếu sản lượng ít thì nho cũng như các sản phẩm OCOP thông thường, chỉ đủ để quảng bá, vì vậy ngoài phát triển giá trị phải gia tăng sản lượng", ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói. 

Theo TS Phan Công Kiên - Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, diện tích nho hiện nay chủ yếu là nho ăn tươi, nho chế biến rất ít. Vì vậy cần phải định hướng phát triển các sản phẩm chế biến từ nho để gia tăng giá trị.

TS Kiên cho biết hiện nay có hai đơn vị tại Lâm Đồng chế biến rượu vang nho lấy nguồn nguyên liệu tại Ninh Thuận. Nếu sử dụng nho ăn tươi chế biến rượu vang thì không đảm bảo.

 Các sản phẩm chế biến từ nho.

Bà Ngọc Dung – Đại diện Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng – cho biết hiện công ty có vùng nguyên liệu trên 20 ha tại khu vực huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh thuận. Đơn vị này cũng nhập khẩu các giống nho làm vang về trồng theo dạng hàng rào, một năm có 2 vụ thu hoạch. Việc thu hoạch nho tại Ninh Thuận để đáp ứng rượu vang ở nhà máy sản xuất rượu vang tại nhà sản xuất vang Đà Lạt cũng như các sản phẩm khác chế biến từ nho.

Hiện nay công ty chiếm 60% bán nội địa, 40% xuất khẩu, có nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ nguyên liệu đầu vào, quy trình làm vang, phối trộn, ủ… nên sẽ có mức giá khác nhau. Ngoài việc có vùng nguyên liệu, công ty cũng kí hợp đồng với nông dân tại Ninh Thuận để cung cấp đủ cho sản xuất, hiện nay sản xuất 3 triệu lít/năm.

Áp dụng công nghệ cao để đảm bảo chất lượng nho

Việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cụ thể với cây nho sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm, gia tăng năng suất đồng thời có được niềm tin của khách hàng. 

 Ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM

Theo ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, trong sản xuất nông nghiệp nếu không chuyển đổi, đặc biệt là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì khó phát triển. 

Ông Cửa cho rằng nho hái tại vườn nếu không áp dụng công nghệ cao thì làm sao dám mời khách du lịch ăn, vì trước đây nho bị phun thuốc nhiều.

"Nông nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí bền vững trong canh tác, sản xuất và mang lại hiệu quả, đồng thời mô hình này phải được nhân rộng ra áp dụng cho người dân về lâu dài", ông Lê Văn Cửa chia sẻ.

Theo TS Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tiềm lực cây nho vẫn còn, đây là cơ hội để Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển nho. Muốn làm được như vậy, cần xác định những công nghệ nào sẽ đưa vào để phát triển bền vững và đó cũng là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng hiện nay người trồng nho tại Ninh Thuận ngày càng được trẻ hóa, vì vậy việc tiếp cận được với khoa học công nghệ và thị trường ngày càng tốt. 

Tại hội thảo, ban tổ chức đã trao giải cuộc thi “Giàn nho đẹp” năm 2023 tỉnh Ninh Thuận.

Việc trồng nho đứng trước thách thức như diện tích giảm, mục tiêu đặt ra là tăng diện tích trồng nho. Vì vậy, cần tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, quy hoạch vùng sản xuất nho phù hợp với tình hình thực tế; chuyển đổi diện tích các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng nho để đảm bảo khai thác tiềm năng vùng đất thích hợp với cây nho. 

Bên cạnh đó, ông Lê Huyền cho biết sẽ ưu tiên quy hoạch các địa điểm trồng nho có diện tích tập trung sản xuất trên cánh đồng lớn, sản xuất nho ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khảo sát khảo nghiệm các giống nho mới có năng suất cao hơn nhằm mở rộng phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Võ Liên